(ĐTĐ) – Vợ tôi 27 tuổi, sinh con đầu lòng bằng phương pháp mổ, đến nay đã gần 7 tháng, bé cân nặng 3,6 kg. Sau khi sinh con được 7 ngày thì vợ tôi bị đau phần chân bên phải, đau lan từ vùng mông xuống đến gần đầu gối. Những khi đau xoay trở và đi lại rất khó khăn. Tôi có đưa vợ đi khám ở một cơ sở y tế tại quê nhà (TP Quy Nhơn), điều trị 2 tuần, tiêm thuốc thì đỡ đau, nhưng vẫn không hết bệnh. Sau đó tôi đưa vợ đi chữa cổ truyền thì hết đau hẳn 4 tháng, nhưng bây giờ vẫn đau lại, mặc dù có phần đỡ hơn so với trước, nhưng khi đi lại và ngồi xuống, đứng lên rất khó khăn.
Trả lời:
Hiện tượng đau như anh mô tả, theo y văn đó là triệu chứng của đau thần kinh tọa. Thần kinh tọa là dây thần kinh chi phối vận động và cảm giác của chi dưới. Nó xuất phát từ các rễ thần kinh đi ra từ phần cuối cùng của tủy sống, đi qua các lỗ ống sống. Phần trên của các dây thần kinh này đi sát cột sống, nên tình trạng thoát vị của các đĩa đệm có thể chèn ép vào các nhánh gây hiện tượng đau và tê buốt từ cột sống vùng thắt lưng chạy dọc theo mông, đi xuống mặt sau của đùi và đến ngón chân út. Hiện tượng đau thần kinh tọa rất hay gặp ở người Việt Nam. Ngoài nguyên nhân bị chèn ép do thoát vị đĩa đệm, dây thần kinh tọa còn có thể bị viêm, bị chèn ép do ung thư, bị giãn do vận động quá mức…
Thoát vị đĩa đệm nguyên nhân chính gây đau thần kinh tọa
Việc chẩn đoán viêm thần kinh tọa không khó, thầy thuốc có kinh nghiệm về nội thần kinh chỉ cần dùng búa phản xạ là có thể chẩn đoán được. Tuy nhiên, muốn chẩn đoán chính xác xem có bị chèn ép do thoát vị đĩa đệm hay không, bệnh nhân cần phải chụp cộng hưởng từ MRI vùng cột sống thắt lưng. Nếu bệnh nhân bị chèn ép do thoát vị đĩa đệm thì nên phẫu thuật để lấy đi nhân đĩa đệm, từ đó sẽ không còn bị chèn ép dây thần kinh tọa nữa. Đây là lựa chọn tối ưu trong các phương pháp chữa trị hiện nay. Còn viêm thần kinh tọa thì có thể điều trị bằng nội khoa và vật lý trị liệu.
Thân!
PGS.TS. Nguyễn Hoài Nam: Giảng viên ĐH Y Dược, TP.HCM
Nguồn Thanhnien.com.vn
Originally posted 2010-11-23 13:26:57.