(ĐTĐ) – Đường hầm cổ tay hay ống cổ tay được hình thành bởi xương cổ tay và dây chằng kéo ngang qua đoạn cổ tay.
Nó là một “đường ống” hẹp chứa các dây thần kinh và các gân điều khiển cử động của các ngón tay. Nếu các bộ phận lân cận hoặc trong ống cổ tay bị sưng hoặc dày lên có thể chèn ép các dây thần kinh gây đau, tê, làm yếu bàn tay và ngón cái.
Sơ đồ ống cổ tay (trái). Thiết đồ cắt ngang ống cổ tay bình thường (trên) và tổn thương trong hội chứng ống cổ tay (dưới).
Hội chứng ống cổ tay gồm các triệu chứng điển hình là: đau, tê nhức, cảm giác châm chích ở các ngón tay, đặc biệt là các ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và phân nửa ngoài ngón đeo nhẫn. Bệnh gây đau lan cổ tay, lòng bàn tay hoặc cẳng tay, nhất là về ban đêm. Bệnh nhân khó cầm nắm đồ vật. Có khi đau lan lên cẳng tay.
Nếu bệnh nhẹ, người bệnh cảm thấy tê buốt như bị kim châm ở bàn tay. Trường hợp nặng hơn thì thấy rất đau ở bàn tay, có khi bỏng rát và nhức nhối cả cẳng tay và cánh tay, tay yếu và tê cứng. Để lâu, bệnh gây teo cơ ô mô cái, khả năng cầm nắm yếu đi. Gõ nhẹ vào nếp gấp lòng cổ tay – bàn tay cảm giác đau tê tăng lên. Khi dây thần kinh bị chèn ép ngày một nhiều hơn, làm cho cơ ở ngón cái bị yếu hoặc bị tổn thương vĩnh viễn.
Việc điều trị có thể dùng phương pháp nội khoa hoặc phẫu thuật. Việc phẫu thuật chủ yếu để giải phóng sự chèn ép dây thần kinh trung tuyến. Khoảng 6-8 tuần, vết thương phần mềm sẽ liền hẳn nếu không bị nhiễm khuẩn. Vì vậy, sau khi phẫu thuật, bệnh nhân cần luyện tập vật lý trị liệu sớm để giảm đau và bớt phù nề bằng cách kê cao tay khi nằm, thường xuyên nắm mở bàn tay liên tục để các chất dịch và máu lưu thông tốt. Sau mổ từ 3-4 ngày, bệnh nhân có thể dùng ngón tay cái bên tay lành ấn nhẹ gần vết thương rồi xoa nhẹ hình xoắn ốc dọc theo chiều dài vết thương, làm như vậy để tăng tuần hoàn và chống kết dính khi đang trong giai đoạn lành vết thương. Khi vết sẹo mới hình thành, bệnh nhân cũng có thể dùng ngón trỏ và ngón cái bàn tay lành để day di chuyển vết sẹo qua lại. Nếu có điều kiện, bệnh nhân nên đến khoa vật lý trị liệu ở bệnh viện để được điều trị bằng sóng siêu âm chống kết dính vết sẹo. Ở đây, chuyên viên vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn cách tập gập – duỗi, dang – áp ngón tay cái và các ngón, đối các ngón. Tùy theo khả năng của bệnh nhân, sức cơ, có thể tập đề kháng theo hướng ngược chiều của cử động để gia tăng sức mạnh của cơ, như vậy, các cơ trong lòng bàn tay sẽ hồi phục và không còn bị teo, tầm vận động của các khớp ở các ngón tay sẽ không còn bị hạn chế. Bệnh nhân cũng nhanh hồi phục sức khỏe toàn thân.