Điều trị suy tĩnh mạch bằng sóng cao tần
Ngày 19/03/2016, đoàn bác sĩ Singapore do GS.BS. Chu Penzami dẫn đầu đã tới Viện Tim mạch – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để chuyển giao công nghệ điều trị can thiệp nội tĩnh mạch bằng sóng có tần số radio (sóng cao tần).
Bệnh nhân (BN) Nguyễn Thị T. (nữ, 62 tuổi, ở Phường Sơn Lộc, Sơn Tây, Hà Nôi) được chẩn đoán trước can thiệp là suy van tĩnh mạch hiển lớn bên trái và đã được điều trị RF 1 chân, ngày 26/03 khám lại, BN không đau chân, cảm giác dễ chịu hơn nhiều so với trước can thiệp.
BN Vũ Thị H. (65 tuổi, ở Hòa Lạc, Bình Yên, Thạch Thất, Hà Nội) chia sẻ niềm vui sau 1 ngày được điều trị suy tĩnh mạch chi bằng sóng cao tần. Bà cho biết, trước đây đã điều trị suy tĩnh mạch chân trái bằng tiêm xơ, nhưng tĩnh mạch hiển lớn phải rất giãn và suy mức độ nặng nên tình trạng khó chịu của bà không được cải thiện. Trong dịp này, bà được đoàn bác sĩ của Singapore sang can thiệp và chỉ sau 1 ngày, bà đã có cảm giác rất dễ chịu, đã có cảm giác khỏe mạnh hoàn toàn và sẵn sàng ra viện.
Đây là 2 bệnh nhân đầu tiên được điều trị bằng sóng cao tần tại Khoa Nội tim mạch – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, sau điều trị 1 ngày, các bác sĩ kiểm tra lại cho thấy kết quả rất tốt, không có hiện tượng sưng và bầm tím tại chi được phẫu thuật.
Một ca điều trị suy tĩnh mạch bằng sóng cao tần tại Khoa Nội tim mạch
Điều trị suy tĩnh mạch bằng sóng cao tần là gì?
Đã có nhiều phương pháp điều trị bệnh suy TM như nội khoa (dùng thuốc); phẫu thuật loại bỏ TM suy; can thiệp nội mạch loại bỏ TM suy bằng tiêm chất tạo bọt; điều trị bằng sóng laser… Một phương pháp mới nhất đã được Viện Tim mạch Quốc gia bắt đầu ứng dụng là: Loại bỏ TM suy bằng năng lượng sóng có tần số radio. Đây là phương pháp hủy mô bằng nhiệt gây ra do sự ma sát của các ion trong mô dưới tác động của dòng điện xoay chiều có tần số nằm trong khoảng sóng âm thanh. Dòng điện từ máy được truyền vào mô cơ thể qua một điện cực dạng kim, dòng sóng radio được truyền vào đầu kim và sinh nhiệt. Nhiệt do ma sát làm khô mô xung quanh dẫn đến làm mất nước trong tế bào và hoại tử đông phần mô cần hủy.
Ưu điểm của phương pháp này là gì?
Đây là một phương pháp có nhiều ưu điểm, hơn hẳn các phương pháp kinh điển. Bởi phương pháp này có tỉ lệ thành công rất cao, điều trị triệt để được TM bị suy, an toàn và ít tai biến. BN được can thiệp bằng ống thông qua da nên không để lại sẹo, mang tính thẩm mỹ cao; ít đau, không gây bầm máu nên có thể đứng dậy ngay sau khi làm can thiệp. Thông thường, bệnh nhân được xuất viện ngay trong ngày điều trị, vì thế rút ngắn thời gian nằm viện, giúp giảm tải cho bệnh viện. Cũng do tính chất ít xâm lấn nên bệnh nhân sẽ hồi phục nhanh, có thể đi lại nhẹ nhàng và trở lại với các hoạt động sinh hoạt, làm việc, tập luyện thể thao trong thời gian một vài ngày.
Nhược điểm của phương pháp điều trị suy TM chi dưới bằng sóng cao tần là chi phí khá cao do đây là kỹ thuật mới và hiện đại. Mặc dù vậy, với những ưu điểm vượt trội nên hy vọng trong thời gian tới, đây là biện pháp trở thành thường quy tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, đem lại hy vọng lớn cho các BN suy TM chi dưới vốn chiếm tỷ lệ khá lớn (9 – 30% trong dân số, phụ thuộc vào từng nghiên cứu).
Khoa Nội Tim mạch – Bệnh viện TƯQĐ 108
Nguồn Benhvien108.vn