(ĐTĐ) – Ung thư cổ tử cung là loại bệnh dễ gặp nhất ở phụ nữ (PN). Thống kê của ngành y tế cho thấy, tại Việt Nam, loại bệnh này thường có tỉ lệ mắc 20,2/100.000 dân. Trước nguy hiểm của căn bệnh này, các hãng sản xuất đã cho ra vaccine phòng ngừa.
Điều đáng nói, các loại vaccine này chỉ ngừa được 4/100 loại virus HPV; tuy nhiên, do quảng cáo lập lờ, thổi phồng đã khiến nhiều người đổ xô đi tiêm phòng mà bỏ qua việc tầm soát khác…
Cần phát hiện sớm bệnh ung thư cổ tử cung, để tránh những biến cố đáng tiếc (Ảnh minh hoạ)
Đã tiêm vaccine vẫn mắc bệnh
Ung thư cổ tử cung bắt nguồn từ việc lây nhiễm human papilomavirus (HPV) – một loại virus lây lan phổ biến qua sinh hoạt tình dục. Cứ 10 PN thì 8 người có thể nhiễm virus này ít nhất một lần trong đời. Lâu nay, đa số PN cho rằng, mình không có nguy cơ mắc bệnh. Trên thực tế, đây là căn bệnh thường gặp và có tỉ lệ tử vong cao trong số các bệnh UT phụ khoa ở PN. Mỗi ngày, tại VN, 14 PN được phát hiện mắc ung thư cổ tử cung và 7 người chết vì căn bệnh này.
Điều đáng nói, ngay cả những người đã tiêm phòng vaccine cũng bị mắc ung thư cổ tử cung. Đó là bệnh nhân Lý N. K – 26 tuổi, trú tại quận 8, TPHCM. Theo chị K, cách đây 2 năm, chị đã đi tiêm phòng vì nghĩ rằng tiêm phòng xong là an toàn và quên tầm soát hằng năm. Đến khi mắc bệnh và nghe các bác sĩ giải thích chị mới biết: Vaccine không phải là tất cả.
Theo nhận định của các BS, vaccine ung thư cổ tử cung đang được “ưu ái” quá mức tại thị trường VN. Cụ thể, tại các nước, loại vaccine này chỉ khuyến cáo tiêm phòng trong độ tuổi từ 10-25, tuy nhiên, tại VN, đối tượng tiêm phòng đã được mở rộng một cách khó hiểu – từ 10 – 55 tuổi. Tại các BV, vaccine này luôn đập vào mắt mọi người đến khám với dòng chữ trên những tờ quảng cáo lớn khổ A0: “Hãy nói với BS về vaccine duy nhất có thể giúp bảo vệ bạn không bị ung thư cổ tử cung và những bệnh khác do HPV gây ra như ung thư âm hộ, ung thư âm đạo, mụn cóc sinh dục”.
Một hình thức quảng bá khác được đánh máy trên tờ A4 dán tại các phòng khám, quầy thuốc: “Có thuốc mới, thuốc ngừa ung thư cổ tử cung”.
Thổi phồng công dụng
GS-BS Nguyễn Chấn Hùng – Chủ tịch Hội Ung thư VN – khẳng định: “Vaccine chỉ ngừa được 4/100 loại virus HPV”. Tại BV Ung bướu TPHCM, mỗi năm có hơn 1.000 trường hợp ung thư cổ tử cung mới nhập viện và điều trị, gần phân nửa trong số này vào giai đoạn cuối. Qua tìm hiểu, hiện nay, trên thị trường có hai loại vaccine đang lưu hành là gardasil được xem là loại vaccine tái tổ hợp tứ giá virus sinh u nhú ở người (phòng ngừa HPV gây ung thư cổ tử cung) týp 6, 11, 16, 18 và được khuyến khích sử dụng cho PN từ 9 – 26 tuổi và cervarix phòng virus HPV týp 16, 18.
Tuy nhiên, các chuyên gia đầu ngành về UT của VN khẳng định, không nên tin tưởng hoàn toàn vào sự “thần kỳ” của 2 loại vaccine trên. Bởi theo y văn thế giới hiện có đến 100 týp HPV, nhưng chỉ có 30 týp gây nhiễm trùng đường sinh dục và 15 týp có khả năng gây ung thư (týp 16 và 18 là nguy hiểm nhất).
Do đó, với khả năng chủng ngừa 4 týp như trên của gardasil (2 týp đầu ngừa ung thư cổ tử cung, 2 týp sau ngừa bệnh mồng gà) hay 2 týp của cervarix thì chỉ làm giảm chứ không loại bỏ hoàn toàn nguy cơ ung thư cổ tử cung. Các BS tại BV Ung bướu khuyến cáo, chưa hẳn tiêm vaccine rồi là không mắc ung thư cổ tử cung cũng như chưa lường hết được những tai biến phản ứng phụ có thể xảy ra.
GS-BS Nguyễn Chấn Hùng cho biết thêm, việc tăng cường kiểm tra sớm, phát hiện bệnh bằng phương pháp xét nghiệm PAP (phết mỏng tế bào tử cung) hai năm một lần sẽ giảm đến 90% ung thư cổ tử cung. Đây là biện pháp đơn giản nhất, tiết kiệm nhất để bảo vệ sức khỏe cho PN.