(ĐTĐ) – Khi bị chấn thương chẳng hạn ngã hay va đập, vì sợ vết thương tụ máu khiến bầm tím, lâu tan, nhiều người đã chườm nóng.Tuy nhiên, có người thấy vết thương đau nhức thì muốn giảm đau nhanh lại cho chườm lạnh. Chườm nóng hay lạnh hoàn toàn do cảm tính, vậy xử lý đúng nhất khi bị chấn thương thế nào?
GS.TS Đỗ Tất Cường (Bệnh viện 103): Vết thương tụ máu, chườm lạnh tốt nhất
Trong sinh hoạt thể dục thể thao, có thể xảy ra các chấn thương ở cơ, gân và dây chằng. Do mức độ tổn thương nhẹ nên bệnh nhân có thể tự chăm sóc vết thương tại nhà. Người bệnh tuyệt đối không được vận động, không xoa bóp mạnh vào vết thương mà phải cố định vết thương để giảm đau, tránh phù nề.Nếu là vết thương phần mềm, không hở, bị bầm tím, đọng máu (bong gân) thì chườm lạnh để phòng ngừa biến chứng, không gây tụ máu hay chảy máu. Dùng túi đá ướp chườm lạnh ngay tại chỗ 10 – 15 phút, mỗi lần cách nhau khoảng 1 giờ, lặp lại nhiều lần trong ngày. Có thể chườm lạnh trong 1 – 3 ngày đầu sau khi bị thương. Không nên chườm một lần quá lâu hoặc chườm lạnh trực tiếp vì da sẽ bị bỏng.
Nếu vết thương bị chảy máu, loét da không được sử dụng các biện pháp dân gian như đắp lá, bôi các loại dầu, mỡ, tránh nguy cơ nhiễm trùng mà nên cố định vết thương, rửa sạch bằng nước muối loãng rồi băng ép, cố định. Mục đích là làm giảm chảy máu, sưng bầm và đau nhức. Dùng băng thun quấn ép dưới vùng tổn thương, những vòng đầu phải quấn chặt, sau đó lỏng dần.
Nếu là chấn thương nặng hoặc đã qua sơ cứu mà hoạt động vẫn còn khó khăn, bệnh nhân nên đến khám ở các bệnh viện chuyên khoa để được điều trị càng sớm càng tốt.
TTND Nguyễn Xuân Hướng (nguyên chủ tịch Hội Đông y Việt Nam): Không nên chườm nóng
Khi bị chấn thương phần mềm, bệnh nhân không được chườm nóng hay kéo, nắn trong 2 ngày đầu. Chườm nóng làm máu chảy nhiều hơn, kéo nắn làm tổn thương bị nặng thêm, thậm chí có thể gây đứt cơ hoàn toàn và bầm dập mô xung quanh. Kết quả là tổn thương viêm tăng lên, vết thương lâu lành và sau này gây sẹo xấu.
Nếu bị bong gân, gãy chân thì tốt nhất nên chữa trị theo Tây y. Trong Đông y cũng có một số loại thuốc, lá cây dùng để chữa trị khi chấn thương như lá si, lá náng, cúc tần, ngải cứu… nhưng phải là thầy thuốc chuyên khoa mới nên dùng.
Những phương pháp này chỉ áp dụng với những trường hợp bong gân nhẹ, dây chằng chỉ bị giãn. Còn đối với trường hợp bong gân nặng, làm dây chằng đứt hoàn toàn, bong khớp… thì phải chuyển đến bệnh viện chuyên khoa để được chăm sóc.
Khi bị chấn thương, bệnh nhân có thể dùng thuốc giảm đau, nhưng tuyệt đối không nên xoa các loại dầu nóng vì khiến máu chảy nhiều hơn. Nếu chấn thương giãn dây chằng mà xoa bóp thì khiến dây bị xơ chai, mất đi độ đàn hồi. Chúng sẽ trở nên yếu hơn và dễ chấn thương trở lại khi có những cử động mạnh. Với chấn thương nhẹ bệnh nhân sẽ phục hồi sau khi điều trị được 2 – 3 ngày. Nếu là chấn thương nặng hoặc đã qua sơ cứu mà hoạt động vẫn còn khó khăn, bệnh nhân nên đến khám ở các bệnh việc chuyên khoa để được điều trị càng sớm càng tốt. Việc dùng dùng dầu cao chỉ nên xoa trong các trường hợp đau khớp, gân, cơ bắp, tụ máu, thâm tím. Khi dùng không nên xoa toàn thân, chỉ xoa chỗ chấn thương và tránh vết thương hở. |