(ĐTĐ) – Colchicin là loại thuốc được chỉ định dùng điều trị đợt cấp của bệnh gút, phòng tái phát viêm khớp do gút và điều trị dài ngày. Tuy nhiên, 80% bệnh nhân dùng thuốc điều trị bị nôn và tiêu chảy, 2% bệnh nhân có thể tử vong do dùng thuốc để tiêm.
Thuốc gây viêm thần kinh cơ và đặc biệt nguy hại đối với bệnh nhân suy gan, thận…
Thuốc hiệu quả nhất trong vòng 12 – 24 giờ đầu tiên của cơn gút cấp. Khi sử dụng dự phòng bằng colchicin có thể làm giảm đợt cấp xuống 85%. Liều dự phòng colchicin tiêu chuẩn là 0,6mg ngày 2 lần.
Tuy nhiên, nó không phải là thuốc được lựa chọn để điều trị các cơn gút cấp thường xuyên, bởi nếu dùng thường xuyên sẽ gây phản ứng phụ trên đường tiêu hóa, đặc biệt là nôn và tiêu chảy (ở 80% bệnh nhân). Nếu uống dự phòng, thuốc chỉ gây tác dụng phụ trên 4% bệnh nhân.
Vì vậy, chỉ nên uống một viên colchicin duy nhất khi xuất hiện triệu chứng đau đầu tiên. Hơn nữa, colchicin cũng không phải là đặc hiệu cho bệnh nhân giả gút, bệnh lý khớp sarcoid, viêm khớp vảy nến và viêm gân vôi hóa…
Colchicin là thuốc độc bảng B, liều gây độc là 1mg, liều gây tử vong là 40mg… do đó phải dùng thận trọng. Colchicin có nhiều hàm lượng khác nhau từ 0,25mg, 0,5mg, 0,6mg và 1mg, vì vậy cần lựa chọn cho đúng.
Thuốc có tác dụng sau khi uống 2 giờ, thuốc ngấm vào các mô, niêm mạc ruột, gan, thận, lách… đào thải chủ yếu qua phân và nước tiểu.
Đặc biệt, chỉ sử dụng thuốc tiêm vào tĩnh mạch (1mg trở lên) khi thực sự cần thiết để ngăn chặn một đợt gút cấp. Ở một số nước không cho phép dùng tiêm tĩnh mạch nữa vì tỷ lệ tử vong có thể lên đến 2%. Nếu thuốc thoát khỏi thành mạch, nó có thể gây hoại tử mô.
Trong mạch máu, nó có thể gây viêm tắc tĩnh mạch. Ngoài ra, khi tiêm thuốc bệnh nhân cũng thường gặp biến chứng mất bạch cầu gây nguy hiểm do đó phải đếm bạch cầu hạt trước khi tiêm. Colchicin chỉ được tiêm theo đường tĩnh mạch. Không được tiêm theo đường dưới da hay tiêm bắp (gây đau nhiều ở chỗ tiêm).
Tuyệt đối, không dùng colchicin cho các bệnh nhân suy gan, suy thận nặng, người có thai, có nguy cơ bị glôcôm góc hẹp, bí đái, người có bệnh dạ dày, bệnh đường ruột, bệnh thận, gan hay tim trầm trọng và người loạn thể tạng máu. Cần thận trọng khi dùng colchicin cho người già, yếu, phụ nữ có thai, cho con bú. Thuốc có thể có tác dụng ngược lên quá trình sản sinh tinh trùng.
Nếu dùng dài ngày, cần làm xét nghiệm đếm máu định kỳ. Khi có cơn đau cấp tính đầu tiên, dùng 1 – 1,2mg, cứ sau mỗi 2 – 3 giờ thì dùng 0,5 – 0,6mg. Nếu có khó chịu ở dạ dày, ruột hay tiêu chảy, buồn nôn thì ngưng thuốc 3 ngày, sau đó dùng lại.
Colchicin dùng một mình hoặc kết hợp với các chất kháng viêm để làm giảm triệu chứng, phòng ngừa các hiện tượng viêm tái phát. Thuốc không làm hạ được axit uric trong máu nên không ngăn được các biến chứng thận và khớp. Vì vậy, khi dùng thuốc cần dùng thêm các thuốc khác như allopurinol, desuric, benemid là thuốc chữa nguyên nhân.
Để tránh các tác dụng và biến chứng, chỉ dùng thuốc theo đơn bác sĩ. Nếu dùng dài ngày phải kiểm tra đều đặn công thức bạch cầu, tế bào máu. Khi có tác dụng phụ phải hỏi lại thầy thuốc.
Theo Bee.net.vn
Originally posted 2010-09-02 23:25:29.