(ĐTĐ) – Aspirin – pH8 được bào chế đặc biệt nên thuốc không tan trong dạ dày mà chỉ đến ruột mới tan và được hấp thu. Vì vậy tránh được hiện tượng gây kích thích, cồn cào dạ dày khi uống lúc đói. Nên uống thuốc lúc đói cách xa bữa ăn khoảng 30 phút thuốc đến ruột, rồi mới ăn. Điều này có lợi là thuốc nhanh xuống ruột mà không bị trộn lẫn với thức ăn, giảm được đau ngay (những người đau dạ dày hay bị đau trong và sau khi ăn). Nếu uống aspirin – pH8 lúc no cũng không có hại gì nhưng không tận dụng được cái lợi nói trên.
Aspirin nguy hiểm cho trẻ có chứng Reye và chính nó cũng gây ra hội chứng này (được nhấn mạnh lại trong những năm gần đây) dù dùng thuốc dưới dạng nào, vì thế các tài liệu chuyên môn đều ghi không dùng cho trẻ dưới 15 tuổi hoặc dưới 12 tuổi. Tờ hướng dẫn aspirin – pH8 có ghi điều này nhưng có nhiều người không để ý cứ cho trẻ dùng.
Khi sử dụng thuốc aspirin – pH8 cần tuân theo hướng dẫn của thấy thuốc
Aspirin gây các tai biến cho bộ máy tiêu hoá (viêm loét, xuất huyết, thủng dạ dày). Tính acid của aspirin góp phần tạo nên tai biến này nhưng chỉ một phần nhỏ. Tai biến này do một cơ chế phức tạp: chúng vừa ức chế chất trung gian hoá học cyclo-oxygennase- 2(CO X-2) nên ngăn cản sự tạo thành prostaglandin gây viêm và đau nhưng đồng thời nó lại ức chế chất trung gian hoá học cyclo-oxygennase -1 (COX-1) nên ngăn cản sự tạo thành loại prostaglandin khác có chức năng tiết ra các chất bảo vệ niêm mạc dạ dày. Đây là cơ chế gây tai biến chính xảy ra với bất cứ dạng bào chế aspirin nào (uống hay tiêm kể cả aspirin – pH8). Trong tờ giới thiệu aspirin – pH8 ghi rõ không dùng cho người đau đau dày, tá tràng đang tiến triển. Một số người nhầm tưởng aspirin- pH8 không làm xót dạ dày nên không gây tai biến và cứ dùng là chưa đúng.
Do aspirin pH8 không dùng cho trẻ em dưới 12 tuổi nhưng có người đã bẻ viên thuốc hàm lượng cao này ra cho trẻ dùng. Khi bẻ viên thuốc này ra thì thuốc không còn được bao bọc để xuống ruột mới tan nữa mà tan ngay trong dạ dày. Như thế cùng một lúc trẻ phải chịu tác dụng hại kép.
Aspirin có ngăn ngừa được nguy cơ tim mạch, nhưng nhiều tác giả chứng minh rằng nó chỉ có hiệu ích ngăn ngừa tai biến tim mạch thứ phát (nghĩa là người đó bị tai biến một lần rồi khi dùng thì ngăn ngừa hoặc làm chậm lại nguy cơ tái phát). Aspirin không có tác dụng phòng nguy cơ tim mạch tiên phát (nghĩa là người chưa bị tai biến thì dù uống phòng hay không vẫn có thể bị nguy cơ tai biến) cho nên đang là người lành lặn thì không nên dùng aspirin làm gì. Hơn nữa dùng cho bệnh này là việc khó, cần có chỉ định của thầy thuốc, chứ không được tự tiện dùng.