(ĐTĐ) – Thoát vị đĩa đệm cột sống là bệnh lý thường gặp trong thoái hóa xương khớp cột sống. Đây là bệnh lý có nhiều phương pháp can thiệp nhưng không ít bệnh nhân và bác sĩ lựa chọn phương pháp không thích hợp nên gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
Thoát vị đĩa đệm phần lớn xuất hiện trên bệnh cảnh thoái hóa cột sống. Có thể coi thoát vị đĩa đệm là hậu quả hay biến chứng của thoái hóa cột sống. Hiện có rất nhiều phương pháp điều trị với các can thiệp bằng kỹ thuật sang chấn nhỏ.
Điều trị bảo tồn: Nằm thư giãn, tự kéo dãn, châm cứu, phong bế, giác hút, xông hơi, thuốc xoa và dán ngoài, vật lý trị liệu với nhiều loại thiết bị như siêu âm, sóng ngắn, từ trường, hồng ngoại, giường kéo nắn động, thuốc Đông y và Tây y… Do đĩa đệm là một mô sụn, nghèo mạch máu nuôi dưỡng nên điều trị bảo tồn chỉ đạt được sự thuyên giảm các dấu hiệu của bệnh lý và có thể ổn định đối với các bệnh nhân có thoái hóa xương khớp nhẹ.
Một số người tự mình uống thuốc kháng viêm, giảm đau kéo dài đã rơi vào tình trạng loét dạ dày – hoành tá tràng, suy chức năng gan, có trường hợp đã bị xuất huyết đường tiêu hóa.
Phẫu thuật mở đĩa đệm: Kỹ thuật này chiếm một tỷ lệ lớn trong các bệnh lý cột sống, là phương pháp thường quy trong ngoại khoa cột sống. Tuy nhiên, mổ hở lại là một can thiệp xâm lấn mạnh, có nhiều biến chứng như mất độ vững cột sống, tạo mô xơ ở vết mổ bóp nghẹt các cấu trúc thần kinh, các biến chứng của gây mê, thậm chí liệt vĩnh viễn và tử vong… Nhưng nếu các trường hợp mà thủ thuật ít xâm lấn còn có thể thực hiện được thì cũng nên tránh phẫu thuật.
Lấy nhân đệm qua da: Kỹ thuật này dùng dụng cụ vi phẫu luồn qua catheter 4mm định vị dưới X-quang. Biến thể của kỹ thuật này là lấy nhân đĩa đệm cột sống thắt lưng tự động qua da. Nhân nhầy được làm nát bằng một lưỡi dao quay khoảng 300 vòng/phút và hút ra bằng máy hút.
Phân hủy nhân nhầy đĩa đệm bằng men. Bản chất của kỹ thuật này là dùng men phân hủy các đại phân tử proteoglycan và glicoprotein, là các thành phần chính của nhân nhầy. Men thường được sử dụng là chymopapain. Ngoài việc giảm áp suất nội đĩa, chymopapain còn có thể có tác dụng kháng viêm ở rễ thần kinh.
Nhiều nghiên cứu tỏ ra nghi ngờ hiệu quả và độ an toàn của kỹ thuật này. Sốc phản vệ đối với chymopapain có thể dẫn đến tử vong (tỷ lệ tử vong được công bố ở Hoa Kỳ là 0,02%). Chích chymopapain sai vào túi cùng có thể gây liệt nửa người hay liệt hai chân, tăng áp lực nội sọ, viêm màng não, và xuất huyết.
Tạo hình nhân đệm bằng sóng radio. Kỹ thuật này dùng một kim chọc tủy hoặc catheter được chọc vào nhân nhầy đĩa đệm. Một bộ truyền sóng bằng hợp kim chế tạo cực nhỏ được đưa qua đó để phát sóng radio vào nhân nhầy.
Sóng radio tần số khoảng 100 kHz với cường độ cao tạo ra một trường plasma tập trung, phá vỡ các liên kết phân tử ở nhiệt độ thấp (~700C), tạo thành khí thoát ra ngoài. Có rất ít nghiên cứu báo cáo về kết quả lâm sàng của kỹ thuật này. Một số thông báo cho tỷ lệ kết quả tốt sau 12 tháng dao động từ 60%-80%, trung bình khoảng 75%.
Thủ thuật giảm áp đĩa đệm cột sống bằng laser qua da. Kỹ thuật này đang được thực hiện tại trung tâm ngoại khoa của nhiều nước. Nhiều loại laser đã được ứng dụng trong thủ thuật này. Từ khi áp dụng vào năm 1986, đến nay đã có hàng trăm ngàn bệnh nhân được thực hiện thủ thuật này trên nhiều nước khác nhau.
Cũng đã có nhiều công trình khoa học thông báo các kết quả theo dõi lâu dài. Những kết quả của các thầy thuốc ở các nước khác nhau đều có sự tương đồng và không có sự khác biệt đáng kể. Kết quả ghi nhận đạt tỷ lệ thành công giao động từ 70,7- 93%. Việt Nam cũng đạt kết quả tương đồng này sau 12 năm triển khai.
Qua kinh nghiệm thực hiện cho hàng ngàn bệnh nhân, Viện Ngoại khoa Laser Việt Nam nhận định các trường hợp có chỉ định can thiệp bằng kỹ thuật sang thương nhỏ thì kỹ thuật giảm áp đĩa đệm cột sống bằng laser qua da là an toàn và hiệu quả.