(ĐTĐ) – Những ngày vừa qua, dư luận xôn xao về trường hợp của chị Nguyễn Thị Phượng, quê ở huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, sinh sống cùng chồng ở huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước. Sau 4 năm bị bệnh, từ một phụ nữ mới 26 tuổi, chị trở thành… bà già 80!
Theo chị Phượng, năm 2008, có lần ăn hải sản bị dị ứng, chị mua thuốc về uống nhưng không hết. Khi đến phòng mạch của một bác sĩ trong huyện để khám, chị Phượng được chẩn đoán là “viêm da”. Tuy nhiên, uống hết 1 tuần thuốc thì da mặt chị Phượng vừa sưng, vừa sần sùi. Sợ quá, chị chuyển sang điều trị bằng Đông y.
Theo lời các lương y, chị bị nóng gan, tích nước! Sáu tháng liên tục uống thuốc, mặt chị giảm sưng nhưng người mập ra. Cuối cùng, vợ chồng chị chuyển sang thuốc Bắc, và vẫn bị cho là nóng gan. Uống được hai tháng, bệnh không bớt, chị bỏ vì hết tiền…
Đầu năm 2011, những triệu chứng ban đầu xuất hiện, rồi ngày càng tăng thêm: Da mặt chị chảy xệ, nhăn nheo, da bụng, da vùng cổ cũng thế còn tất cả những chỗ khác thì bình thường. Giọng nói của chị cũng rất bình thường – nghĩa là âm sắc trong trẻo như một cô gái trẻ, kinh nguyệt hàng tháng vẫn đều đặn.
Theo nhận định của một số bác sĩ chuyên khoa Nội tiết, Da liễu, Lão khoa tại TP HCM, thì có thể đây là một hội chứng lạ, chứ không phải là bệnh lão hóa (già trước tuổi) như đã từng xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới bởi lẽ người bị lão hóa thường có độ tuổi rất nhỏ.
Cũng có ý kiến cho rằng nguyên nhân chị Phượng già trước tuổi là do sử dụng dài ngày các loại thuốc kháng viêm gốc corticoide (trên thị trường thường được bán dưới tên Dexamethasone, Prednisolon, Betamethasone). Tuy nhiên, corticoide theo đường uống thì khó gây nên hiện tượng lão hóa da, mà chủ yếu biến chứng của nó là loãng xương, tiểu đường, phù mặt (hội chứng Cushing), cao huyết áp, loét dạ dày, hoặc chỉ gây nhăn da, rạn da…
Chị Nguyễn Thị Phượng năm 21 tuổi và hiện nay (26 tuổi).
Trường hợp sử dụng corticoide liều cao, dài ngày và khi hội chứng Cuship xuất hiện, rồi bệnh nhân ngừng thuốc thì hội chứng già trước tuổi mới xuất hiện, nhưng không đến nỗi trầm trọng như chị Phượng. Chỉ những loại corticoide dạng kem bôi ngoài da như Halog, Betasone, Cortisone… mới gây ra hiện tượng lão hóa nếu bôi thường xuyên, bôi từ ngày này qua tháng khác.
Vậy thì hiện tượng già trước tuổi của chị Nguyễn Thị Phượng có nguyên nhân từ đâu?
Nguyên lý về sự lão hóa và da bị lão hóa trước tuổi là một vấn đề rất phức tạp. Nó gây ra do nhiều yếu tố khiến da bị già đi nhanh hơn mức bình thường so với quá trình lão hóa tự nhiên. Nếu trong quá trình lão hóa tự nhiên, phần epidermis và dermis trong da mỏng dần do sự suy giảm của tế bào sinh trưởng, sự suy thoái và biến mất các mô liên kết như collagen, sự mất nước vì lớp hộ da (stratum cornium) hoạt động bớt hiệu quả, dẫn đến những vết nhăn, da mỏng đi, giảm tính đàn hồi. Hậu quả là da mặt, da vùng cổ, da bụng sẽ nhăn nheo, chảy xệ.
Mặc dù đến nay, đã có những thành công trong lĩnh vực nghiên cứu y, sinh, hóa để xác định các gien, cũng như cơ chế điều khiển tuổi thọ nhưng nguyên lý của sự lão hóa vẫn là một quá trình bí ẩn. Theo các nghiên cứu, tế bào da có khả năng tự sinh để thay thế các tế bào chết. Tổng số lần tế bào được tái sinh trong suốt cuộc đời tùy thuộc vào tuổi thọ của từng tế bào nói riêng và của sinh vật nói chung. Vấn đề là làm sao để biết được các tế bào da đến lúc nào thì không phân chia nữa?
Các công trình nghiên cứu của các chuyên gia về lão khoa đã nêu lên một giả thuyết, gọi là “giả thuyết telomeres-rút ngắn”. Nói một cách nôm na, thì telomeres là đoạn ADN cuối của mỗi ADN chromosomes trong hạt nhân của từng tế bào. Nó rất cần thiết cho sự phân chia của tế bào. Cứ sau mỗi lần phân chia, telomeres lại bị rút ngắn và khi nó ngắn quá thì tế bào không phân chia được nữa, dẫn đến hiện tượng tế bào tự chết đi sau khi đã hoàn tất nhiệm vụ của mình. Không những đối với tế bào thường, “telomeres rút ngắn” cũng giới hạn chức năng tái sinh của tế bào gốc (stem cell).
Ngoài những tác nhân nội sinh, các yếu tố bên ngoài cũng có vai trò rất lớn trong việc lão hóa. Một cuộc sống với đầy những căng thẳng, thói quen bia rượu, thuốc lá có thể thay đổi các cytokine và hormones trong cơ thể, tia tử ngoại trong ánh sáng mặt trời (UV) và hóa chất độc hại trong môi trường, hóa chất trong thuốc chữa bệnh, hoặc trong kem dưỡng da, thói quen lột da làm đẹp có thể gây thiệt hại trực tiếp cho protein, ADN, màng bao bọc da, và các cấu trúc khác.
Trở lại chuyện già trước tuổi của chị Nguyễn Thị Phượng, theo chẩn đoán của bác sĩ Hoàng Văn Minh, chuyên Khoa Da liễu – Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, thì qua thăm khám, đã có thể xác định chị Phượng bị một chứng bệnh gọi là “bệnh tế bào vón” (Mastocytosis).
Mastocytosis là loại bệnh hiếm gặp. Theo báo cáo của Giáo sư Louis Dubertret, Khoa Da liễu, Bệnh viện Saint Louis thì cứ khoảng 600 nghìn người mới có 1 người mắc phải chứng bệnh này, và người có nước da sáng mắc nhiều hơn người có nước da đen hay sậm màu. Tỉ lệ mắc bệnh Mastocytosis của người dưới 15 tuổi là 65%, còn từ 20 đến 40 tuổi là 35%.
Theo bác sĩ Minh, bệnh tế bào vón tuy khó điều trị nhưng vẫn có thể giúp cho chị Phượng giải quyết được phần nào sự phù nề giống như hiện tượng lão hóa da trên khuôn mặt bởi lẽ theo cơ chế, tế bào vón tiết ra chất kháng histamine – trong đó histamine nhóm 1 gây ra ngứa ngáy, nổi mề đay, phù, còn histamine nhóm 2 gây ra những đợt tiêu chảy. Điều ấy phù hợp với bệnh cảnh của chị Phượng vì cứ mỗi khi tiêu chảy, thì mặt và tay chị lại ửng đỏ lên. Các thuốc kháng histamine trong trường hợp này sẽ phần nào cải thiện những hiện tượng nêu trên.
Hiện tại, việc thăm khám, điều trị cho chị Nguyễn Thị Phượng đang được tiến hành nhằm xác định ngoài bệnh tế bào vón, chị còn mắc thêm chứng bệnh nào nữa không. Nếu giải quyết được 50 đến 70% bệnh lý của chị Phượng như lời bác sĩ Minh nói, thì đó cũng là điều đáng mừng cho chị Phượng nói riêng, và cho ngành Da liễu, Lão khoa Việt Nam nói chung bởi lẽ đây là lần đầu tiên, một trường hợp già trước tuổi được điều trị một cách có hệ thống