SKĐS – Mỗi năm có đến 40.000 người tự sát vì trầm cảm. Hãy coi chừng nếu bạn có các dấu hiệu rối loạn cảm xúc dưới đây vì rất có thể bạn đang mắc bệnh trầm cảm và cần thiết phải được bác sĩ chuyên khoa tâm thần điều trị.
Ngày Sức khỏe Thế giới hôm nay (7/4) với chủ đề “Trầm cảm – Hãy cùng trò chuyện” nhằm tăng cường nhận thức của toàn xã hội về sức khỏe tâm thần bởi đây là một rối loạn rất phổ biến trong dân số, nhưng những biểu hiện của chứng bệnh này thường bị bỏ qua khiến người bệnh không được điều trị kịp thời dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Xem thêm: Xót xa cô gái 26 tuổi chỉ nặng vỏn vẹn 19kg vì trầm cảm nặng
Báo động 40.000 người tự sát vì trầm cảm mỗi năm, dấu hiệu phát hiện sớm bệnh này
TS.BS Nguyễn Văn Dũng, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần, BV Bạch Mai cho biết, tỉ lệ bị rối loạn lo âu, trầm cảm – đặc biệt là vấn đề trầm cảm thì tùy theo lứa tuổi có mức độ bệnh khác nhau nhưng chỉ có 18% người bệnh đến đúng chuyên khoa tâm thần trước 6 tháng (trong đó chỉ có 5% được điều trị thoả đáng) còn lại muộn sau 6 tháng và điều trị bởi các chuyên khoa khác, bệnh nhân đến trong tình trạng nặng.
TS.BS Nguyễn Văn Dũng.
Điều đáng nói là đây là loại bệnh dễ chữa nếu được phát hiện kịp thời, bệnh nhân điều trị rất nhẹ nhàng. Song yếu tố tâm thần khiến nhiều người lo sợ bị xa lánh, kỳ thị và không chấp nhận con cái, người thân của mình mắc chứng rối loạn tâm thần nên đã bỏ qua điều trị hoặc điều trị không đúng cách như cúng bái, uống thuốc nam không rõ nguồn gốc, tự ý mua thuốc tây về uống… Điều này vừa không có giá trị chữa bệnh, lại có thể làm tình trạng bệnh nặng lên.
Ở tuổi về già, phụ nữ mãn kinh, gia đình lại cho rằng đó là sự phát triển bình thường của cơ thế, các rối loạn liên quan đến sang chấn tâm lý hoặc bệnh mạn tính của người cao tuổi chứ không nghĩ đến bệnh tâm thần. Chính vì vậy, nên khi không ngủ được thì họ thường đến khám bác sĩ thần kinh, đau ngực khó thở, lo lắng thì hay đến khám chuyên khoa tim mạch hoặc có những rối loạn tiêu hóa thì tìm đến bác sĩ tiêu hóa mà bỏ quên bác sĩ tâm thần.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại Viện Sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai.
Những dấu hiệu trầm cảm điển hình
Theo TS. Dũng, các biểu hiện chủ yếu của trầm cảm là các rối loạn sinh học, rối loạn giấc ngủ, các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật như vã mồ hôi, run chân tay, ngại giao tiếp. Đây là những triệu chứng nếu không được điều trị sớm dễ dẫn đến rối loạn tâm thần sau này.
Tùy theo giai đoạn, lứa tuổi mà các dấu hiệu rối loạn cảm xúc, trầm cảm ở mỗi người khác nhau. TS. Dũng tư vấn cụ thể:
Ở lứa tuổi vị thành niên, thanh niên nếu thấy các biểu hiện như tách biệt cuộc sống, xa lánh mọi người, không giao tiếp, xa lánh các thú vui cũ, không ngủ được, lo âu tăng dần, giảm kết quả học tập, chán nản trong công việc… thì cha mẹ nên nghĩ đến trẻ mắc một trong những rối loạn cảm xúc và cần đi khám ngay không nên bỏ qua điều trị hoặc tự ý điều trị.
Hãy lưu ý đến các rối loạn cảm xúc để đi khám và điều trị kịp thời.
Đến tuổi phụ nữ mãn kinh, bệnh nhân không biểu hiện bởi khí sắc trầm, giảm năng lượng hay xa lánh mọi người mà thường biểu hiện ở cơ thể như đau cơ thể, hồi hộp đánh trống ngực, run chân tay, vã mồ hôi hoặc lo âu ngày một tăng…. Đó là triệu chứng trầm cảm người bệnh nên đến chuyên khoa tâm thần ngay.
Với người già hoặc người về hưu thì thường người ta có biểu hiện tách biệt khỏi đời sống đời thường đó là các sang chấn tâm lý, bệnh nhân cho rằng bị bỏ rơi hoặc bị cô đơn, bệnh nhân hay nghĩ về ngày xưa, than vãn cuộc sống bình thường, rối loạn giấc ngủ… Trường hợp này, nhiều thân nhân lại cho rằng đó là bệnh người già và nghĩ không cần điều trị nhưng thực sự chất lượng cuộc sống của họ giảm sút rất nhiều, bệnh nhân thu mình lại không giao tiếp với mọi người, chán ăn, ngủ không được sinh ra cáu bẳn, bệnh nhân thay đổi cảm xúc cáu giận đạp phá hoặc có ý tưởng tự sát.
Bản thân người bệnh cũng hãy chủ động trò chuyện với những người thân xung quanh khi thấy mình có các dấu hiệu của bệnh trầm cảm. Như vậy, nếu tất cả chúng ta cùng chung tay, giúp sức chúng ta sẽ giúp được rất nhiều bệnh nhân trầm cảm được phát hiện và điều trị sớm từ đó giúp người bệnh có cuộc sống ổn định, tốt đẹp hơn, cũng như giúp cho xã hội phát triển và tốt đẹp hơn
Dương Hải
Nguồn Suckhoedoisong.vn