(ĐTĐ) – Cơ thể con người, đặc biệt ở giai đoạn lão hóa rất nhạy cảm với những biến đổi về thời tiết. Cùng với không khí lạnh tràn về và một tư thế nằm không thuận lợi về ban đêm, sáng ra cổ có thể bị cứng lại. Có người bị cứng cổ, không tự đi được, sợ những cơn ho hoặc hắt hơi. Có người bị đau ê ẩm vùng gáy hoặc đau cả mảng đầu sau rồi lan sang mảng đầu bên phải. Một số người khác không đau từng cơn mà lúc nào cũng đau, không quay đầu sang trái hay sang phải được mà phải xoay cả người… Tất cả những dấu hiệu đó, y học gọi là chứng thoái hóa đốt sống cổ.
Thoái hóa đốt sống cổ còn biểu hiện bằng cảm giác đau nhức mỏi từ bả vai lan xuống cánh tay hoặc thấy như có kim châm tê tê suốt dọc phía trong cánh tay khiến cho người bệnh khó khăn khi nâng tay lên hoặc hạ xuống. Bệnh nhân nhiều khi nhầm tưởng mình bị bệnh khớp vai. Nếu ở mức độ nặng, thoái hóa đốt sống cổ còn có thể gây nên biến chứng phức tạp hơn như cảm giác khó nuốt, thấy vướng ở cổ, cảm giác choáng váng, buồn nôn, chóng mặt…
Thoái hóa đốt sống cổ là một bệnh lý biểu hiện dưới các dạng như thoái hóa đĩa đệm, thoái hóa đốt sống thành cảm giác gai xương…làm biến dạng cột sống cổ, làm mất đường cong sinh lý cột sống cổ, làm khớp đốt sống cổ cứng lại, hạn chế vận động cột sống cổ. Những bệnh thường gặp ở đốt sống như viêm cột sống dính khớp, các bệnh về khớp đặc biệt là bệnh viêm khớp mà một trong những hậu quả của nó là khiến cho đốt sống cổ thoái hóa nặng, hình thành nên các gai xương. Khi vận động đầu cổ, gai xương này kích thích, chèn ép vào rễ thần kinh gây đau.
Ngoài yếu tố bệnh lý, trong sinh hoạt hàng ngày, các tư thế cố định như công việc đòi hỏi cúi nhiều , ngửa nhiều, mang vác nặng trên đầu, hay ngồi trước màn hình vi tính quá lâu sẽ làm sai lệch cấu trúc bình thường của cổ dẫn tới những biến đổi cho mô xương, dây chằng, cơ và dễ dẫn đến thoái hóa các mô cột sống hoặc hình thành các gai xương đốt sống. Có hai dạng đau chủ yếu của bệnh lý đốt sống cổ là đau do thoái hóa đĩa đệm, đau do thoái hóa đốt sống. Đau do thoái hóa đĩa đệm thường âm ỉ, kéo dài, không liên quan đến tư thế vận động đầu và cổ. Còn đau do thoái hóa hình thành các gai xương, thường kích thích các rễ thần kinh, có thể thấy đau lan tỏa, đau lên vùng chẩm, xuống bả vai, cánh tay, lòng bàn tay.
Hậu quả của thoái hóa đốt sống cổ có thể dẫn đến teo cơ, rối loạn cảm giác, liệt… người bệnh cần đi khám chuyên khoa thần kinh hoặc khoa khớp ngay, tránh để bệnh nặng gây những biến chứng nguy hiểm.
Thường người bệnh chỉ phải điều trị nội khoa bằng các thuốc giảm đau như alaphan, viatril-s nhằm làm tăng tái tạo sụn khớp, hạn chế quá trình thoái hóa, nếu không đỡ thì chuyển sang điều trị ngoại khoa. Bệnh nhân thoái hóa đốt sống cổ ở mức độ nhẹ cần nghỉ ngơi, thư giãn kết hợp liệu pháp xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu hay tập luyện cột sống cổ nhẹ nhàng, đúng phương pháp. Nếu đau quá và diễn ra thường xuyên thì có thể dùng thuốc chống viêm, giảm đau hoặc bệnh nhân có thể được đeo đai một thời gian ngắn để hạn chế chuyển động và giữ tư thế sinh lý đầu cổ. Khi có bệnh rễ thần kinh do lồi, thoát vị đĩa đệm, ngoài việc dùng các biện pháp vật lý trị liệu phục hồi chức năng thì còn được kéo dãn đốt sống cổ và nghỉ ngơi, thư giãn, tránh các tư thế đầu cổ sai lệch hoặc tăng trọng tải vùng đầu cổ.
Để dự phòng thoái hóa đốt sống cổ, trước hết ta nên thay đổi tư thế làm việc sai lệch quá lâu trong một thời gian dài … Không nên có động tác vặn, bẻ cổ đột ngột khi thấy mỏi cổ, bởi tất cả những động tác này sẽ làm tăng thoái hóa đốt sống cổ lên. Không nên đội nặng trên đầu. Cần luyện tập thể dục nhẹ nhàng hoặc chườm túi nóng ấm vùng cổ và xoa bóp theo chỉ dẫn của bác sĩ.