(ĐTĐ) – Rượu rắn, thịt rắn, mật rắn đều có tác dụng khử phong thấp và là loại thuốc bổ chữa bệnh thần kinh, đau nhức, tê liệt, bán thân bất toại, các cơn co giật… Tuy nhiên, cách ngâm, cách chế biến, sử dụng như thế nào thì không phải ai cũng biết.
Nguyên liệu: Rắn ngâm rượu thường chọn và chia thành 3 bộ hay 5 con. Dùng loại bình đựng 3 lít rượu ngâm 3 con rắn làm thuốc gồm: 1 con hổ mang, 1 con cạp nong, 1 con cạp nia. Cũng có thể dùng loại bình đựng 5 lít rượu ngâm 5 con rắn làm thuốc gồm: 2 con hổ mang, 1 cạp nong, 1 cạp nia, 1 rắn ráo.
Cách làm: Mổ bỏ ruột, cạo sạch trong miệng, rửa sạch rắn bằng nước lã, lau khô, rửa một lần nữa bằng rượu, rồi lại lau khô và cho vào bình đã có rượu hoặc bỏ rắn vào bình, sắp xếp cho rắn cuộn đều và đẹp sau đó đổ rượu vào, đậy kín, ngâm 3 tháng 10 ngày, chiết ra 2/3 lượng rượu để sử dụng và đổ tiếp rượu vào cho đầy.
Rượu rắn chiết từ bình ra thường có mùi tanh, vì vậy người ta thường pha với rượu thuốc, nhưng rượu thuốc và rượu rắn ngâm riêng để các chất của rắn không ngấm vào các vị thuốc ngâm rượu, sau 1 tháng mới đổ chung vào 1 bình. Người ta hay dùng bài thuốc bổ Minh Mạng ngâm rượu này. Thời gian ngâm và sử dụng bình rượu rắn thường trên 1 năm, sau 3 lần chiết rượu ra dùng, xác rắn được sấy khô, giòn, tán bột, hoàn viên để uống.
Ngoài ra, người ta còn làm rượu mật rắn, cách làm như sau: Khi mổ rắn, lấy mật để riêng ra. Nếu bình ngâm 3 mật rắn thì cho mật vào lọ 50ml rượu, bình ngâm 5 mật thì cho mật vào lọ 100ml rượu 30 – 40o, để 2 – 3 ngày sau đó chích túi mật cho mật tan hết vào rượu, bỏ vỏ túi mật đi. Lọ 50ml uống từ 3 – 5 ngày, lọ 100ml uống từ 5 – 8 ngày.
Công dụng: Đối với chứng đau thần kinh tọa, viêm tủy ngang thì rượu rắn và rượu mật rắn cực kỳ hiệu quả. Liều lượng chung từ 4 – 12g/ngày dưới hình thức thuốc bột. Còn dùng rượu mỗi ngày 1 chén từ 40 – 50ml, có thể uống từ 3 – 6 tháng là bệnh đã khỏi, nghỉ 2 – 3 tháng rồi lại uống tiếp để tránh bệnh tái phát.