Máy Vật lý trị liệu Quân đội

Thay khớp háng nhân tạo

(ĐTĐ) – Thay khớp háng nhân tạo là một phương pháp phẫu thuật để điều trị những bệnh nhân tổn thương khớp háng do bệnh lý hoặc chấn thương như thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, viêm mủ khớp… mà tất cả các phương pháp điều trị khác không đem lại hiệu quả.

 

Tại khoa Chấn thương – Chỉnh hình, không chỉ phẫu thuật thay khớp háng mà thay khớp gối nhân tạo cũng rất thành công, giúp cho nhiều người bệnh trở lại sinh hoạt thường ngày.

Trong thời gian đầu của bệnh, đa số chúng ta áp dụng các phương pháp điều trị bảo tồn như dùng thuốc kháng viêm, thuốc giảm đau. Khi bệnh nặng hơn, nhiều người có chỉ định phải thay khớp, song vẫn tự ý dùng thuốc giảm đau kéo dài khiến suy thận, loét dạ dày, lúc này nếu phẫu thuật sẽ gặp nhiều biến chứng.

Thay khớp háng nhân tạo

Một ca phẫu thuật tại khoa Chấn thương – Chỉnh hình, Bệnh viện 103

Phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo là phẫu thuật lấy bỏ đi phần chỏm xương đùi và thay bằng chỏm kim loại hay bằng sứ với một chuôi cắm vào trong lòng tủy xương đùi, có thể nạo bỏ phần ổ cối bị hư để đặt vào đấy một chén bằng kim loại, bên trong có chứa polyethylene hay bằng sứ.

Đối với khớp gối thì nếu tổn thương sẽ thay đầu gối xương đùi, xương bánh chè và đầu trên xương chày. Đây là kỹ thuật ít xâm lấn, đường mổ nhỏ, chỉ dài 7 – 9cm, đảm bảo tính thẩm mỹ, can thiệp tối thiểu tổ chức phần mềm khiến bệnh nhân mất máu ít, phục hồi nhanh, hạn chế sự sưng nề sau phẫu thuật.

Người bệnh phẫu thuật sau 1 ngày có thể ngồi dậy được và từ 2 – 3 ngày thì nên tập đứng, đi dưới sự hỗ trợ của chiếc nạng. Sau một tháng, bệnh nhân trở lại bình thường. Khớp nhân tạo nên khớp này có tuổi thọ nhất định, trung bình vào khoảng 10 – 15 năm tuỳ thuộc vào các yếu tố như chất lượng của vật liệu cấu tạo khớp, kỹ năng của phẫu thuật viên như đặt khớp có đúng trục, độ vững chắc, sự tuân thủ của bệnh nhân khi thực hiện các yêu cầu của bác sĩ…

Tỷ lệ trật khớp trung bình từ 1 – 3%. Tuỳ theo loại khớp nhân tạo, đường mổ, tình trạng sức khoẻ của người bệnh, kinh nghiệm của phẫu thuật viên mà tỉ lệ trật khớp sẽ khác nhau. Người bệnh nên tránh những tư thế dễ làm trật khớp như gập háng quá 900, bắt chéo chân, ngồi xổm…

PGS.TS. Trần Đình Chiến – Chủ nhiệm bộ môn Chấn thương – Chỉnh hình, Bệnh viện 103
Nguồn Bee.net.vn

DMCA.com Protection Status