(ĐTĐ) – Trở lại bệnh viện Việt Đức, Hà Nội lần này, chị Trần Thị Cúc, 38 tuổi ở thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh đã tự mình đi được, những cơn đau không hành hạ chị như trước. Vui hơn cả, khi bác sĩ thông báo kết quả kiểm tra đĩa đệm nhân tạo chị được thay cách đây hai tháng ổn định, chị hoàn toàn có thể trở lại cuộc sống bình thường.
Những đêm dài
PGS.TS.BS Nguyễn Văn Thạch, phó giám đốc bệnh viện Việt Đức, viện trưởng viện Chấn thương chỉnh hình, chủ nhiệm khoa phẫu thuật cột sống, cho biết: ''Khi vào viện, bệnh nhân Trần Thị Cúc không thể đi lại, người nhà phải hỗ trợ. Thế mà lần này trở lại viện tái khám đã đi được thế này là quá tốt. Kết quả kiểm tra đĩa đệm nhân tạo cột sống được thay rất tốt, đáp ứng yêu cầu đặt ra''.
Ngồi cạnh bác sĩ, chị Cúc nở nụ cười hạnh phúc. Chị nhớ lại: nhiều năm rồi, chị không thể bước đi bình thường, thậm chí ngồi thôi lưng cũng đau. Nhiều đêm giấc ngủ chẳng ngon bởi cơn đau ập đến. Bỏ công việc nhà nước, chị quanh quẩn ở nhà. Rồi công việc nhà chị cũng không làm nổi.
Chị Cúc được bác sĩ kiểm tra chức năng vận động khi tái khám sau mổ.
''Cả nhà động viên tôi đi khám. Bác sĩ kết luận tôi bị thoát vị đĩa đệm phải phẫu thuật, nếu không sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ. Lúc này tôi càng hoảng hơn. Không thể chậm trễ, tôi quyết định phẫu thuật'', chị Cúc kể lại. Thế nhưng, sau ca phẫu thuật thoát vị đĩa đệm năm 2007, tình trạng đau lưng vẫn không giảm, thậm chí ngày một nặng hơn khiến chị không thể đi lại. Chị lo lắng không biết rồi đây sẽ thế nào khi mà con cái chị còn nhỏ cần sự chăm sóc của mẹ.
Giã từ cơn đau
Sau một thời gian dài chịu đựng những cơn đau hành hạ, chị Cúc được cả nhà đưa lên bệnh viện Việt Đức, Hà Nội điều trị. Thật may thời điểm này một kỹ thuật mới được triển khai tại bệnh viện Việt Đức: thay đĩa đệm nhân tạo cột sống.
Phim chụp vị trí thay đĩa đệm nhân tạo.
Khi đến khám tại bệnh viện Việt Đức, chị được các bác sĩ chẩn đoán bị thoát vị đĩa đệm L4, L5 trái, phải mổ thay đĩa đệm nhân tạo cột sống thắt lưng, nếu để lâu có thể liệt chân trái, thậm chí rối loạn cơ tròn (sẽ không đại, tiểu tiện được). BS Thạch, người trực tiếp phẫu thuật cho biết, đây là ca đầu tiên thay đĩa đệm nhân tạo tại Việt Nam. Ca mổ được thực hiện dưới sự chuyển giao, giúp đỡ của chuyên gia Pháp, diễn ra trong 90 phút đã thành công. Bệnh nhân được mổ mở một đường nhỏ trước bụng, đảm bảo cả an toàn lẫn thẩm mỹ. Chỉ sau 2 – 3 ngày, chị Cúc đã ngồi dậy, tập đi lại. Và sau hai tháng tái khám, chị đã tự đi lại được.
Chị Cúc cho biết dù những cơn đau chưa hết hẳn nhưng đã bớt rất nhiều, sau một thời gian tập luyện những cơn đau sẽ hết hẳn. ''Thế nhưng, hiện tôi có thể ngủ ngon và tự đi lại được, cũng bắt đầu làm được việc nhà'', chị vui mừng nói.
* ẢNH: BỆNH VIỆN VIỆT ĐỨC CUNG CẤP
1/3 dân số Việt Nam bị đau lưngPGS.TS.BS Nguyễn Văn Thạch cho biết, đau lưng là một bệnh lý phổ biến, xảy ra ở khoảng 30% dân số, đặc biệt là đau lưng do tổn thương đĩa đệm. Ngoài nguyên nhân thoái hoá tự nhiên, do tai nạn, thoát vị đĩa đệm còn xảy ra do tư thế ngồi, tư thế lao động, mang vác vật nặng sai cách… Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng gây đau vùng thắt lưng: cảm giác đau tăng khi nằm nghiêng, ho, đại tiện. Trước đây, bệnh nhân phải mổ thoát vị đĩa đệm bằng phương pháp kinh điển lấy đĩa đệm, cố định cột sống hàn xương liên thân đốt. Nhược điểm của các phương pháp này là làm cứng hoàn toàn một đoạn cột sống, do vậy sẽ làm hạn chế vận động của bệnh nhân sau mổ, thời gian hồi phục lâu, thậm chí hình thành khớp giả nếu không liền xương. Phương pháp thay đĩa đệm nhân tạo cột sống thắt lưng bảo tồn được nguyên vẹn chức năng vận động của cột sống, do đĩa đệm nhân tạo được thiết kế gần giống đĩa đệm thật của con người. Sau mổ, bệnh nhân vẫn cử động vùng thắt lưng bình thường mà không bị cứng. Đĩa đệm nhân tạo có chức năng sinh lý như đĩa đệm thật nên làm giảm nguy cơ tổn thương các đĩa đệm liền kề. |