(ĐTĐ) – Thời gian qua, các bác sĩ Khoa Chấn thương chỉnh hình 2, Viện Chấn thương chỉnh hình (CTCH) Bệnh viện Việt Đức đã ứng dụng thành công kỹ thuật ghép gân đồng loại điều trị khớp gối cho những bệnh nhân đứt dây chằng chéo trước.
Đứt dây chằng chéo trước (DCCT) là thương tổn thường gặp ở tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, nhất là ở các vận động viên khi tập luyện thi đấu thể thao. Tình trạng này nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách có thể phải đánh đổ cả tương lai, sự nghiệp…
Tương lai không khép lại
Gặp N.Đ.M tại phòng khám của Khoa CTCH 2, Viện CTCH Bệnh viện Việt Đức sau lần tái khám đã thấy em nhanh nhẹn và tự tin hơn rất nhiều. Là một cậu bé có năng khiếu được Sở VH-TT&DL Hà Nội về tận quê tuyển chọn từ khi 14 tuổi, qua 2 năm rèn luyện và gắn bó với môn võ Vovinam, M. đã ẵm một giải vàng Hội khỏe Phù Đổng toàn thành phố và 1 giải bạc vô địch toàn quốc môn võ Vovinam… M. là “hy vọng vàng” cho những đợt tranh giải… Nhưng một lần đi đường không may bị va quệt xe máy, đầu gối đập xuống đường… Tuy nhiên, M. đã chủ quan không đi khám vì thấy mình vẫn đi lại bình thường và em vẫn tiếp tục rèn luyện thể thao… Chỉ đến khi thấy chân không thật, đầu gối lủng lẳng thì em mới đến BV Việt Đức khám. Các BS cho biết M. đã bị đứt dây chằng chéo trước. Đối với một vận động viên thể thao, vận động là yêu cầu đầu tiên phải có, em bị đứt dây chằng chéo có nghĩa là khả năng vận động sẽ giảm sút, thậm chí không thể theo đuổi nghiệp…Bố của M. chia sẻ, lúc biết cháu bị chấn thương, gia đình đã rất buồn vì tương lai, tiền đồ của cháu chắc sẽ đổ vỡ… Sau khi các bác sĩ động viên, được thực hiện kỹ thuật ghép gân đồng loại và với tình trạng của cháu hiện nay, gia đình thấy lạc quan và tin vào tương lai của cháu. Mặc dù các bác sĩ cho biết, để cháu trở lại tập như trước phải mất quãng thời gian từ 9 tháng đến 1 năm, nhưng có thể hồi phục và theo đuổi nghiệp võ cũng có nghĩa là tương lai không khép lại với cháu, như vậy đã là một may mắn lớn!
Ghép gân đồng loại nối dây chằng chéo trước (Hình minh hoạ)
Theo ThS. Trần Hoàng Tùng – Khoa CTCH 2, Viện CTCH, Bệnh viện Việt Đức, khớp gối là một trong những khớp đóng vai trò chịu lực chính của cơ thể. Trong các thành phần đảm bảo sự vững chắc của khớp gối, DCCT đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Vì thế, dứt đây chằng chéo nếu không được điều trị sớm sẽ để lại nhiều hậu quả, ảnh hưởng đến vận động sau này.
Chi phí thấp, hiệu quả cao
ThS. Trần Hoàng Tùng cũng cho biết thêm, để tái tạo lại DCCT thường sử dụng hai vật liệu thông dụng nhất hiện nay là vật liệu tự thân và vật liệu đồng loại. Vật liệu tự thân (được lấy ra từ chính cơ thể người bệnh thường là mảnh ghép lấy từ 1/3 giữa gân bánh chè hoặc mảnh ghép lấy từ gân cơ thon và gân cơ bán gân). Những loại vật liệu này thường chỉ đủ tái tạo lại 1 bó DCCT do kích cỡ chúng thường nhỏ, trong khi đó, bản thân DCCT có cấu tạo hai bó với hai tính năng khác nhau, do vậy, khả năng chống xoay của khớp gối sau mổ thường kém, khớp gối nhanh chóng bị thoái hóa. Bên cạnh đó, cơ thể là một khối thống nhất, việc lấy gân ở vùng này đem ghép cho vùng kia thực chất là việc chấp nhận hy sinh chức năng ít quan trọng ở vùng này để lập lại chức năng quan trọng hơn ở vùng khác. Nếu lấy một phần gân bánh chè tự thân làm mảnh ghép sẽ dễ gây vỡ xương bánh chè, phần gân bánh chè còn lại dễ bị đứt…; còn nếu lấy gân cơ thon và gân cơ bán gân thì chân sẽ bị yếu động tác khép đùi, giảm sự vững chắc mặt trong gối…
Vì thế, sử dụng ghép gân đồng loại trong phẫu thuật tái tạo DCCT sẽ khắc phục được những nhược điểm của ghép gân tự thân. Vật liệu này có sẵn trước mổ, với số lượng đủ để làm lại cả hai bó DCCT với kích cỡ phù hợp với từng bệnh nhân, rút ngắn thời gian cuộc mổ. Vết mổ nhỏ do không phải lấy gân của bệnh nhân làm vật liệu nên bệnh nhân ít đau sau mổ, giảm nguy cơ cứng khớp và teo cơ tứ đầu đùi. Độ vững của các vật liệu này giống như các vật liệu tự thân tương ứng, mảnh ghép có khả năng tái tạo lại hệ thống mạch máu và mạng mao mạch che phủ quanh dây chằng trong quá trình thích nghi và phát triển như vật liệu tự thân. Hơn nữa, vì phần gân đồng loại không có tế bào nên không cần thuốc chống thải ghép… Chi phí cho một ca ghép gân đồng loại tại BV Việt Đức vào khoảng 30 – 50 triệu đồng. Nếu sang Singapore hoặc các nước trong khu vực thì chi phí này cao gấp nhiều lần, chưa kể chi phí đi lại, ăn ở…
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay với ghép gân đồng loại cũng giống như ghép tạng là nguồn cho. Nguồn gân thường được lấy từ những bệnh nhân bị tai nạn khỏe mạnh, chân giập nát hoặc những người chết não… Nhưng tâm lý của người sau khi bị tai nạn phải cắt cụt chân cũng không muốn hiến tặng… Bên cạnh đó, quá trình bảo quản nuôi cấy rất khắt khe, đảm bảo đúng quy trình, tiêu chuẩn quốc tế… Thông thường, lấy được 10 mảnh ghép để bảo quản, nuôi cấy nhưng cũng chỉ sử dụng được 6 – 7 mảnh ghép…
Theo thống kê của Khoa CTCH 2, thời gian qua đã có hơn chục Việt kiều, du học sinh ở Nga, Singapore, Trung Quốc… về BV Việt Ðức thực hiện kỹ thuật này. Trong đó, một du học sinh Trung Quốc đã thực hiện ghép gân 2 lần ở Singapore nhưng không thành công, sau đó du học sinh này đã về BV Việt Ðức thực hiện ghép gân đồng loại. Hiện, du học sinh này đã trở lại Trung Quốc học tập và vận động thể thao tốt.
ThS Tùng khuyến cáo với những người yêu thích vận động thể thao, trong quá trình vận động không may bị ngã đập khớp gối, tổn thương khớp gối…. nên đến cơ sở y tế có bác sĩ chuyên sâu về khớp để được thăm khám và chỉ định phù hợp…Ðối với những vận động viên nghiệp dư khi vận động nên có băng chun, vật hỗ trợ ở khớp gối để tránh tổn thương không đáng có…