Máy Vật lý trị liệu Quân đội

Ðau cánh tay do chồi xương có đáng ngại?

(ĐTĐ) – Tùy theo nguyên nhân và mức độ thoái hóa cột sống cổ, các rễ thần kinh bị kích thích hoặc chèn ép bởi các chồi xương ở mỏm móc hoặc các gai xương ở thân đốt gây ra nhiều biểu hiện khác nhau, trong đó nổi bật lên hiện tượng đau cánh tay.

 

Tuy nhiên, đau cánh tay cũng có thể do chèn ép trong thoát vị đĩa đệm còn được gọi là chèn ép mềm nhưng đau cánh tay do chồi xương ở mỏm móc lại là dạng chèn ép cứng do xương nên có những đặc điểm lâm sàng riêng.

Ðau cánh tay do chồi xương có đáng ngại?

Chồi xương mỏm móc gây đau cánh tay (khung)

Chồi xương mỏm móc hình thành như thế nào?

Do đặc điểm sinh – cơ học của đĩa đệm cột sống, quá trình thoái hóa theo tuổi phát triển dần dần, tới tuổi 50 thì đã hình thành các gai xương ở thân đốt và chồi xương ở mỏm móc. Ở mỗi bên của góc trên của thân đốt sống cổ thứ 3 tới đốt sống ngực 1 có một móc ngược lên trên được gọi là mỏm móc (uncus vertobral). Trong quãng tuổi đời đó nếu có các yếu tố ngoại lai (chấn thương, viêm nhiễm, tư thế bất lợi không sinh lý do nghề nghiệp hay phong cách sinh hoạt…) sẽ làm tăng tốc độ thoái hóa, thậm chí cột sống cổ của tuổi thiếu niên đã phát hiện các biểu hiện thoái hóa nặng nề trên phim Xquang. Trên lâm sàng, đau cánh tay do kích thích rễ thần kinh bởi chồi xương ở mỏm móc thường gặp nhiều hơn là do thoát vị đĩa đệm. Chồi xương mỏm móc chĩa vào lỗ liên đốt gây hẹp lòng lỗ liên đốt từ đó kích thích hoặc chèn ép rễ thần kinh và mạch máu chạy qua đó. Lỗ liên đốt được hình thành bởi hai mỏm gai ngang của đốt sống trên và dưới. Chỉ khi nào khoảng trống dự trữ trong lỗ liên đốt còn và xơ hóa đĩa đệm hạn chế biên độ vận động cột sống cổ thì chưa có biểu hiện các triệu chứng của hội chứng cổ – cánh tay. Tuy nhiên, sự phối hợp của hai yếu tố lỏng lẻo đoạn vận động cột sống cổ với các gai xương là nguồn gốc phát sinh hội chứng lâm sàng cổ – cánh tay.

Nhận biết đau cánh tay do chồi xương ở mỏm móc

Các triệu chứng xuất hiện từ từ và không mạnh mẽ như trong lồi và thoát vị đĩa đệm. Lâm sàng có đặc trưng: đau về đêm, cảm giác kiến bò và tê bì dải da tương ứng thuộc các rễ thần kinh bị xâm phạm nên còn được mang thuật ngữ (chứng đau cánh tay về đêm – brachialgia paresthesia nocturna). Trên phim Xquang chụp chếch phát hiện thấy hình ảnh chồi xương (gai xương) mọc từ mỏm móc chĩa vào lỗ liên đốt và trên phim nghiêng có hình ảnh hòa lẫn chung của hai thân đốt trên và dưới. Mặc dù biểu hiện của hội chứng chỉ ở một bên nhưng lỗ liên đốt ở bên đối diện và ở các tầng khác lân cận cũng có những biến đổi tương tự ở một mức độ nào đó. Do đó mới phát sinh lỏng lẻo cả đoạn vận động cột sống. Điều cơ bản là hướng mọc của chồi xương mỏm móc: nếu mọc theo hướng sau – bên thì rễ thần kinh bị chèn ép và mọc hướng bên thì động mạch sống mới bị tác động. Thường gặp là sự phối hợp cả hai quá trình đó. Tiến triển của đau cánh tay do chồi xương mỏm móc thường diễn biến mạn tính và tái diễn. Dưới tác dụng của các biện pháp điều trị đúng cách, thời gian đau có thể kéo dài hàng tháng hàng năm. Nếu các yếu tố ngoại lai bất chợt còn tác động thì sẽ lại tái phát đợt cấp tính.

Chẩn đoán xác định

Có thể áp dụng những biện pháp chẩn đoán thông thường như chụp Xquang cột sống cổ theo 4 tư thế (thẳng, nghiêng, chếch 3/4 phải và 3/4 trái). Nếu có thể chụp cộng hưởng từ.

Điều trị có khó không?

Giai đoạn đầu chỉ cần áp dụng những biện pháp nhiệt đơn giản như (chườm nóng, muối rang, ngải cứu); đeo đai cổ; xoa bóp tại các vùng có co cứng cơ; châm cứu vùng vai gáy; thể dục liệu pháp (tập nhẹ nhàng vận động cột sống cổ về các phía, xoay cổ từ trái sang phải và ngược lại), ưỡn cột sống cổ ra sau, quay cổ sang bên và nghiêng cổ về phía vai hai bên, tránh các động tác mạnh và đột ngột; điều trị bằng vật lý trị liệu: vật lý bằng tia hồng ngoại, dòng điện, tắm ngâm nước ấm 37 độ; nắn chỉnh cột sống không có tác dụng vì ở đây là do nguyên nhân chèn ép cứng do xương; sử dụng các nhóm thuốc chống viêm không steroid, giảm đau, giãn cơ, phục hồi các rễ thần kinh đang bị xâm phạm. Nếu mỏm móc lại có chồi xương phát triển theo hướng sang bên sẽ chèn ép động mạch ở trong lỗ liên đốt, gây hội chứng thiếu máu não cục bộ tạm thời hay thiểu năng tuần hoàn não. Trường hợp này lại phải dùng các thuốc tăng cường tưới máu cho não. Kéo giãn cột sống cổ, chỉ định kéo giãn cần cân nhắc thận trọng, chỉ sử dụng trong những trường hợp các biện pháp điều trị trên không hiệu quả. Phẫu thuật ít được sử dụng, trừ trường hợp động mạch sống bị hư tổn nặng thì có thể mổ cắt gọt mỏm móc.

Nguồn Suckhoedoisong.vn

Originally posted 2011-07-13 02:43:15.

DMCA.com Protection Status