(ĐTĐ) – Bác sĩ Thu Thủy (BV Từ Dũ – Tp.HCM) cho biết, khi thai lớn dần, dây chằng của bà bầu cũng mở rộng và phát triển để hỗ trợ tử cung nâng đỡ trọng lượng của em bé, nước ối, nhau thai…
Vì vậy, dây chằng sẽ căng và thai phụ sẽ cảm thấy ê ẩm, đau đớn. Đây là hiện tượng mà đa số bà mẹ mang thai thường phải đối mặt.
Những thông tin liên quan
Thời điểm xuất hiện đau: Những cơn đau dây chằng thường xuất hiện vào quý 2 và diễn ra nhiều hơn ở quý 3 của thai kì. Ở quý 2, bạn mới cảm nhận những cơn đau nhẹ và ít. Nhưng ba tháng cuối, các cơn đau có thể tăng nhiều do lúc này, tử cung đã lớn hơn.
Triệu chứng: Những cơn đau này khiến bạn thấy như mình bị khuyết tật và khá bực bội, khó chịu. Nhìn chung, đa số cảm thấy đau ở vùng xương chậu, khung xương chậu, lưng đùi hoặc bụng. Bạn có cảm giác nựng vùng chậu, em bé như đang ở rất thấp và mọi thứ như đang bị… rơi ra. Nếu đứng hay ngồi lâu, hoặc nhanh chóng thay đổi tư thế, bạn sẽ bị đau thường xuyên hơn. So với những người đã nhiều lần sinh em bé, các cơn đau dây chằng sẽ ít xuất hiện hơn ở chị em lần đầu mang thai.
Cần bác sĩ trợ giúp: Nếu đang trải qua một cơn đau (nghĩ là đau dây chằng), nhưng cơn đau càng lúc càng tồi tệ với những dấu hiệu không bình thường như: đau dữ dội, kéo dài, kèm theo chảy máu, co thắt, sốt, ớn lạnh, buồn nôn, ói mửa… thì bạn cần sớm đến thăm khám để được bác sĩ đưa ra những phương án an toàn và tốt nhất.
Một số biện pháp giảm đau
Sử dụng thuốc: Paracetamol (loại thuốc được cho phép sử dụng trong thai kì theo chỉ định của bác sĩ) có tác dụng làm giảm đau dây chằng. Tuy nhiên, nếu các cơn đau xuất hiện thường xuyên và kéo dài, bạn không thể liên tục dùng Paracetamol để điều trị. Cần hạn chế sử dụng thuốc và luôn tuân theo lời khuyên của bác sĩ.
Dùng đai đỡ bụng: Nếu phải đứng hay ngồi lâu, đi bộ nhiều hoặc di chuyển đường dài bằng ô tô, bạn có thể sử dụng đai đỡ bụng để chống đau lưng. Tuy vậy bạn cũng không nên sử dụng thường xuyên vì đai đỡ bụng sẽ khiến các cơ làm việc ít đi do đã được hỗ trợ. Điều này có thể kéo theo những vấn đề về trương lực sau khi sinh. Do đó, bạn cần được tư vấn trước hoặc thông báo tình trạng thai nghén cho bác sĩ nếu đã sử dụng lọa đây đai này.
Vận động: Đi bộ có tác dụng giúp bạn thoải mái hơn và giảm những cơn đau dây chằng. Tuyệt đối, bạn không được đi giầy cao gót bởi chúng khiến tăng độ cong của lưng, gây đau dây chằng nhiều hơn và rất nguy hiểm nếu chẳng may bị vấp ngã. Ngâm mình trong nước ấm hoặc tắm nước nóng dưới vòi sen cũng có thể giúp bạn giảm đau.
Các tư thế lúc nghỉ ngơi: Biện pháp lý tưởng và an toàn nhất để giảm đau là bạn cần được nghỉ ngơi, hạn chế đứng hoặc ngồi lâu. Bạn nên nằm nghiêng khi ngủ, đặt một chiếc gối dưới bụng và một cái khác ở giữa hai chân. Như vậy sẽ đỡ được tất cả các bên và giúp làm giảm các cơn đau. Trường hợp cơn đau đến khi đang ngồi, bạn hãy cố đứng lên hoặc nằm xuống. Nếu đang đứng, hãy thử uốn người hoặc vươn vai.