(ĐTĐ) – Hai chuyên gia phẫu thuật ở Bỉ vừa phát hiện một bộ phận cơ thể mới: một dây chằng chưa từng được biết đến trước đây ở đầu gối người.
Tiến sĩ Steven Claes và giáo sư Johan Bellemans thuộc Bệnh viện Đại học Leuven (Bỉ) tin, khám phá mới của họ có thể lý giải tại sao những người từng chữa trị tổn thương ở đầu gối thỉnh thoảng vẫn bị lỏng khớp trong lúc tập luyện thể dục thể thao.
Hai bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình Bỉ đã tiến hành nghiên cứu về các trường hợp đứt dây chằng hình chữ thập phía trước (ACL) ở đầu gối, trong một nỗ lực nhằm khám phá tại sao tổn thương này có thể gây “sụm” gối.
Dây chằng trước bên (ALL) mới được phát hiện.
ACL là một trong 4 dây chằng trọng yếu ở đầu gối và giữ vị trí then chốt trong việc duy trì tình trạng vững vàng cho khớp gối. Việc đứt dây chằng này, vốn rất phổ biến ở các vận động viên chơi những môn thể thao như bóng đá, bóng rổ và ski (môn thể thao di chuyển trên ván trượt tuyết), có xu hướng gây sưng và đau đầu gối, cũng như dẫn đến tình trạng mất vững. Chấn thương này cũng thường phải được điều trị bằng phẫu thuật.
Cuộc nghiên cứu kéo dài suốt 4 năm bắt đầu từ việc xem xét kỹ lưỡng một bài báo năm 1879 của chuyên gia phẫu thuật Pháp Paul Segond, người từng phỏng đoán về sự tồn tại của một dây chằng nữa ở trung tâm phần phía trước của đầu gối.
Hai nhà nghiên cứu đã giải phẫu 41 đầu gối được hiến tặng cho nghiên cứu khoa học và phát hiện, phỏng đoán của ông Segond là chính xác trong hầu hết các mẫu này, trừ một trường hợp ngoại lệ.
Các chuyên gia phẫu thuật Bỉ là những người đầu tiên nhận diện được dây chằng này, và đặt tên cho nó là dây chằng trước bên (ALL). Họ tin, dây chằng ALL tồn tại trong 97% đầu gối của người. Họ cũng xác định, hiện tượng mất vững ở đầu gối hay “sụm” gối là do tổn thương đối với dây chằng ALL gây ra.
Khám phá trên có thể tạo nên một cuộc cách mạng về cách chữa trị các tổn thương ở đầu gối. Tiến sĩ Claes và giáo sư Bellemans hiện đang nghiên cứu kỹ thuật phẫu thuật chỉnh sửa những tổn thương đối với dây chằng ALL.