(ĐTĐ) – Ranitidin được dùng để điều trị loét dạ dày, tá tràng lành tính, bệnh trào ngược thực quản và dùng trong trường hợp cần thiết giảm tiết dịch vị và giảm tiết acid.
Thuốc có khả năng làm giảm 90% acid dịch vị tiết ra sau khi uống 1 liều điều trị. Tác dụng của ranitidin là ức chế cạnh tranh với histamin ở thụ thể H2 của tế bào vách, làm giảm lượng acid dịch vị tiết ra cả ngày và đêm, cả trong tình trạng bị kích thích bởi thức ăn hoặc thuốc (như insulin, amino acid, histamin).
Ranitidin có tác dụng ức chế tiết acid dịch vị mạnh hơn cimetidin từ 3 – 13 lần mà tác dụng không mong muốn (ADR) lại ít hơn. Thuốc làm liền nhanh vết loét dạ dày, tá tràng, ngăn chặn bệnh tái phát và có vai trò quan trọng trong kiểm soát hội chứng Zollinger – Ellison và trạng thái tăng tiết dịch vị quá mức.
Ranitidin thường được dùng phối hợp với một hoặc hai kháng sinh (trong phác đồ điều trị hai hoặc ba thuốc) trong điều trị loét dạ dày, tá tràng. Ngoài ra, thuốc còn được dùng điều trị triệu chứng khó tiêu.
Tuy nhiên, khi dùng ranitidin cần lưu ý, đối với dạng viên ranitidin sủi bọt trong nước có chứa natri dễ làm quá tải natri nên cần chú ý khi dùng cho người bệnh có tăng huyết áp, suy tim, suy thận. Ðiều trị với các kháng histamin H2 có thể che lấp các triệu chứng của ung thư dạ dày và làm chậm chẩn đoán bệnh này. Do đó, khi có loét dạ dày cần loại trừ khả năng bị ung thư trước khi điều trị bằng ranitidin. Thử nghiệm lâm sàng cho thấy, tần suất tác dụng phụ của thuốc xuất hiện ở khoảng 3 – 5% số người được điều trị. Hay gặp nhất là đau đầu, chóng mặt, tiêu chảy, ban đỏ da, ngứa hoặc đau (ở chỗ tiêm).