(ĐTĐ) – Nhiều bạn đọc gửi thư muốn xin tư vấn về tay gấu, bìm bịp ngâm rượu có thời hạn sử dụng không và có tác dụng gì?
TTND Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết, tất cả động vật ngâm rượu đều nên dùng thời gian ngắn, bởi nó sẽ mất chất, thịt động vật sẽ không tốt và hết tác dụng. Đối với bìm bịp, cũng như tay gấu, điều đầu tiên phải làm sạch và không để lông.
Bởi đây là động vật sống nơi bẩn, nếu ngâm cả lông hoặc làm không sạch rất dễ bị các bệnh về tiêu hóa, đường ruột. Khi ngâm bìm bịp, cần làm thịt sạch, nhổ lông, rửa bên ngoài thịt, bỏ phủ tạng, không cắt tiết, giữ nước bọt bởi nước bọt của bìm bịp có thể chữa xương khớp, giảm đau gân cốt.
Bìm bịp không có nhiều tác dụng như lời đồn đại, mà chỉ có tác dụng chữa đau lưng, giảm đau, suy nhược người già. Sau khi bìm bịp làm sạch, ngâm vào 3 lít rượu trong vòng 3 tháng thì uống được, ngày uống 2 lần, mỗi lần 25 – 30ml. Đối với tay gấu, ngâm rượu rất ít tác dụng, chỉ nên dùng nấu cháo trị đau nhức xương khớp.
Lương y Chu Văn Tiến, Hội Đông y Việt Nam cho hay, để phát huy tác dụng và cho bìm bịp sạch hơn thì nên dùng rượu ngâm 3 lần. Lần đầu, dùng rượu có nồng độ 600, đổ ngập, ngâm trong 3 tháng, lần 2 – 3, dùng rượu 35 – 400, ngâm trong 2 tháng, 1 tháng, gộp dịch chiết rượu của 3 lần lại.
Hiện nay, nhiều người quan niệm ngâm các con vật như rắn, nhung hươu, bìm bịp, nhím… để chữa nhiều bệnh, đặc biệt là bổ thận tráng dương.
Tuy nhiên, đây chỉ là tin đồn, chưa có sách vở nào ghi nhận. Đặc biệt, rượu bổ tùy người. Những người tăng huyết áp lại uống rượu ngâm sâm, nhung thì huyết áp vọt lên ngay.
Có nguyên tắc: người bệnh xơ gan, tăng huyết áp… thì rượu thuốc cũng không được uống. Uống rượu thuốc phải có mục đích, “rượu có bài”. Vì vậy, đối với người gan, thận, huyết áp cao, phụ nữ có thai thì tuyệt đối không dùng.