(ĐTĐ) – Ðại bộ phận các bệnh nhân bị đau mãn tính vẫn bị đau và không phục hồi được chức năng với việc sử dụng tất cả các loại thuốc và phương pháp điều trị hiện có. Ðây là kết luận được đưa ra bởi nhóm nghiên cứu tại Ðại học Oa-sinh-tơn Sít-lơ, Mỹ, và được đăng trên Tạp chí Y khoa nổi tiếng thế giới The Lancet.
Ðen-ni C.Túc và các cộng sự đã nghiên cứu đánh giá kết quả điều trị đau của y học hiện đại trong hơn 10 năm vừa qua, và đưa ra nhận định: “Mặc dù có nhiều tiến bộ trong nghiên cứu, hiểu biết và đưa vào nhiều loại thuốc mới, phương pháp điều trị hiện đại, các phẫu thuật tốn kém nhưng hiệu quả điều trị đau mãn tính vẫn rất thấp và không ổn định. Tất cả các thuốc men và phương pháp điều trị chỉ giảm được đau khoảng 30% cho đến dưới 50% người bệnh. Hơn nữa, những người bệnh được điều trị phần lớn không phục hồi được chức năng cả về thể chất lẫn tinh thần mặc dù triệu chứng đau của họ được cải thiện một phần”.
Theo một cuộc điều tra được công bố bởi Viện Nghiên cứu Y tế Hoa Kỳ, có tới 116 triệu người Mỹ bị các chứng đau mãn tính. Con số này cao hơn nhiều so với những ước tính trước đây. Trung bình cứ bốn người trên thế giới thì có một người mắc bệnh đau mãn tính. Tại Mỹ, chi phí điều trị đau hằng năm là 210 tỷ USD. Ở Anh, chi phí điều trị chỉ riêng bệnh nhân đau lưng đã lên tới khoảng 26 đến 49 tỷ USD mỗi năm.
Ðau mãn tính còn là nỗi sợ của bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân ung thư, căn bệnh ngày càng phổ biến ở khắp mọi nơi trên thế giới. Mặc dù thuốc men và các phương pháp điều trị ung thư ngày càng nhiều với những chi phí gia tăng không ngừng, nhưng những triệu chứng nặng nề của bệnh ung thư làm giảm chất lượng cuộc sống cả về thể chất lẫn tinh thần của người bệnh vẫn không được điều trị tốt trong hơn 30 năm qua. Theo các nghiên cứu được công bố, có tới 50-70% bệnh nhân ung thư bị đau ở mức độ từ vừa đến nặng trong thời gian họ được điều trị ung thư. Với các bệnh ung thư, vấn đề còn trở nên khó khăn hơn khi đại bộ phận các thuốc và phương pháp điều trị cũng có tiềm năng gây đau, tổn thương và nhiều tác dụng phụ phổ biến khác cho bệnh nhân.
Tại Việt Nam, nghiên cứu của các tác giả thuộc Viện Ung thư quốc gia cũng cho thấy có 50% bệnh nhân ung thư bị đau từ vừa đến nặng, trong số này 23% bị đau nặng. Các phương pháp điều trị chỉ kiểm soát đau hoàn hoàn cho 1% số bệnh nhân, trong khi đó cũng chỉ có 40% bệnh nhân được giảm đau một phần. |
Hiệu quả thấp và chi phí ngày càng cao, việc điều trị bằng các thuốc giảm đau đánh vào triệu chứng như hiện nay còn gây ra một “đại dịch” ở Hoa Kỳ, đó là tổn thương và tử vong do tác dụng độc hại của thuốc. Các phương tiện truyền thông đại chúng ở Mỹ trong những năm qua đã nhiều lần đưa ra những bài bình luận, cảnh báo và phân tích về sự gia tăng đến mức độ “dịch bệnh” các trường hợp phải cấp cứu, điều trị và tử vong do các loại thuốc giảm đau được kê toa ngày càng dễ dàng bởi các bác sĩ vụ lợi. Các thuốc giảm đau không có nguồn gốc thuốc phiện và có nguồn gốc thuốc phiện, cũng như các chất corticosteroid đã gây con số thương tật và tử vong cho người Mỹ vượt xa con số do tai nạn giao thông và bệnh AIDS cộng lại. Theo một nghiên cứu được đăng tải năm 2008 trên tạp chí của Hiệp hội các bác sĩ Mỹ (JAMA), có tới 66% các trường hợp tử vong không định trước có nguyên nhân từ việc sử dụng các loại thuốc bác sĩ kê đơn, trong đó các thuốc giảm đau chiếm tỷ lệ lớn nhất.
Một nghiên cứu được đăng trên tạp chí của Hiệp hội Y khoa Anh quốc (BMJ) mới đây nhất cho thấy chiều hướng lạm dụng các thuốc có nguồn gốc moóc-phin để điều trị các chứng đau cấp và mãn đã làm tăng đột biến những trường hợp tử vong do thuốc trong những năm gần đây ở Mỹ và Ca-na-đa.
Bác sĩ Ðơ-han-la và cộng sự đã chỉ ra số trường hợp tử vong do các thuốc có nguồn gốc moóc-phin đã tăng từ 4.041 trường hợp tại thời điểm 1999 lên tới 14.459 trường hợp vào năm 2007. Tại Ðức cũng có tới 1,9 triệu người bị nghiện các loại thuốc giảm đau do các bác sĩ kê đơn với những hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, gia đình và chất lượng cuộc sống của chính bệnh nhân.
Sự bế tắc của y học hiện đại trong việc điều trị hiệu quả và an toàn các bệnh đau mãn tính hiện nay là kết quả tất yếu của vấn đề nhìn nhận mọi bệnh nhân từ khía cạnh “bệnh tật” và triệu chứng mà không tìm hiểu các triệu chứng này từ khía cạnh sức khỏe, dinh dưỡng, tâm lý – tinh thần và xã hội. Chúng ta sẽ không bao giờ điều trị đau mãn tính thành công bằng các loại thuốc phần lớn đều gây độc hại và gây nghiện như hiện nay. Việc nghiên cứu để đưa ra phương pháp điều trị từ chế độ dinh dưỡng, lối sống, các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc, các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, điều chỉnh yếu tố tâm lý – tinh thần là điều cần thiết để giúp điều trị các chứng đau mãn tính.