Từ nhiều năm trước, tôi thường xuyên lưu ý việc chụp XQuang cột sống động cho bệnh nhân bị các bệnh lí thoái hóa cột sống. Việc chụp những tấm hình này cho chúng ta rất nhiều thông tin, từ đó đưa ra chẩn đoán chính xác, dẫn đến cách xử lí phù hợp.
Tuy nhiên, càng ngày tôi càng cảm thấy mình lạc lõng. Nhiều bệnh nhân phản ứng rất gay gắt khi tôi yêu cầu chụp Xquang, trong khi họ đã có phim MRI. Nhiều người bệnh đi đến những nơi, lẽ ra thì phải thật là accademic, nhưng ở đó, các bác sĩ cũng chỉ cần phim MRI là có thể chỉ định mổ mà không cần chụp XQuang.
Bệnh nhân nam, sinh năm 1956, đau thắt lưng lan hai chân, đi lại khó khăn do đau. Tháng 7 năm 2014, bệnh nhân được khám và chụp MRI (hình 4, 5, 6). Do không có hình chụp XQuang, bệnh nhân được chẩn đoán thoát vị đĩa đệm L4-5, L5-S1 (thực ra trên MRI đã có thể chẩn đoán hẹp ống sống và thoái hóa hư khớp), từ đó, bệnh nhân được mổ lấy nhân đệm vi phẫu cho L4-5, L5-S1.
Sau mổ bệnh nhân hồi phục khá. Vài tháng sau, bệnh nhân bắt đầu vận động mạnh và đau trở lại. Ban đầu đau thắt lưng, và nhanh chóng lan xuống 2 chân, rồi tê, yếu, và giảm cảm giác chân trái, đi lại rất khó khăn. Bệnh nhân được chụp XQuang cột sống thắt lưng động (hình 1, 2, 3) cho thấy trượt mất vững ở L3-4 (L3 ra sau) và L4-5 (L4 ra trước).
Do không được xử lí mất vững, hiện tượng hẹp ống sống lại tái phát nhanh chóng. Hình ảnh MRI sau mổ cho thấy điều đó (hình 7, 8, 9). Hình chụp hiện nay cho thấy hẹp ống sống gần giống như trước mổ, có xu hướng nặng hơn. Khả năng cao là tái phát hẹp, vì sau mổ bệnh nhân đã có khá hơn. Đây là vấn đề mấu chốt của hiện tượng mất vững.
Khi cột sống mất vững, các cấu trúc của đĩa đệm như bao xơ, đĩa sụn bị giằng xé và vỡ ra. Những cấu trúc này sẽ bị xô lệch mỗi khi người ta chuyển động. Cho nên, nếu chỉ lấy nhân nhầy như các trường hợp thoát vị đĩa đệm, các cấu trúc vỡ sẽ lại bị đẩy ra, tạo sự chèn ép mới.
Ngoài ra, các dây chằng, bao khớp bị giằng xé cũng sẽ bị phì đại. Khi mổ, chúng ta sẽ phải cắt các dây chằng này để tiếp cận tổn thương. Chính việc cắt các dây chằng này sẽ làm yếu thêm đi các cấu trúc vững của cột sống, và từ đó, hiện tượng hẹp ống sống gây chèn ép các cấu trúc thần kinh sẽ nhanh chóng tái phát.
Xử lí phẫu thuật một trường hợp mất vững cột sống có hoặc không có kèm theo hẹp ống sống, có nhiều điểm khác biệt rất lớn so với mổ thoát vị đĩa đệm đơn thuần. Nếu xử lí không triệt để, kết quả tốt chỉ là tạm thời và một thời gian ngắn sau, các triệu chứng tái phát trở lại. Lúc này sẽ thật khó khăn, vì sau lần mổ đầu tiên, các cấu trúc thần kinh sẽ bị dính, gây khó khăn rất nhiều cho cuộc mổ tiếp theo, gia tăng tỉ lệ biến chứng sau mổ cho cuộc mổ tiếp theo.
Có người lí giải rằng sau mổ bệnh nhân phải hạn chế vận động, phải kiêng cử chơi thể thao, không được làm nặng… như vậy mới bảo đảm kết quả cuộc mổ tốt được. Đó là quan niệm cũ. Quan niệm chủ đạo hiện nay trong phẫu thuật cột sống là mổ để cho bệnh nhân trở thành người bình thường, có thể làm gì tùy thích, chứ không phải là những phế nhân hay những vật trang trí bằng pha lê mong manh.
Để đạt được điều đó, việc xác định cột sống có mất vững hay không rất quan trọng. Và việc này phải do XQuang động đảm nhiệm. Mặc dù MRI là một kĩ thuật chẩn đoán hình ảnh cao cấp, nhưng nó không thể thay thế cho XQuang được. Giống như ông Giám đốc một bệnh viện, bằng cấp có thể cao hơn, lương và thu nhập có thể lớn hơn rất nhiều so với một bác sĩ chuyên khoa, nhưng ông không thể thay thế bác sĩ chuyên khoa đó được, nếu ông không cùng một chuyên khoa với bác sĩ đó.
Hi vọng rằng tôi sẽ không tiếp tục bị lạc lõng giữa các đồng nghiệp.