(ĐTĐ) – Trong một thành quả được xem là bước đột phá quan trọng, các nhà khoa học đã xác định được các gien có thể làm tăng khoảng 30% rủi ro mắc bệnh đa u tủy, dạng ung thư tủy xương xâm lấn, theo báo Daily Mail.
Dù các thân nhân của những người bị căn bệnh khó chữa nói trên có rủi ro mắc bệnh tăng cao, nhưng cho đến nay giới khoa học vẫn chưa tìm được gien gây bệnh.
Lấy sinh thiết tủy xương – Ảnh: Shutterstock
Nay, một nhóm chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Ung thư Anh (ICR) đã sử dụng một kỹ thuật có tên gọi rà soát gien trong cơ thể (GWAS) để sao chụp ADN của 1.675 bệnh nhân đa u tủy. Quy trình này cũng được thực hiện trên 5.900 người khỏe mạnh.
Khi so sánh các kết quả, các nhà khoa học phát hiện 2 khu vực của ADN vốn thường thấy hơn ở những người bị đa u tủy, có liên quan đến sự tăng cao rủi ro mắc bệnh.
Giáo sư Gareth Morgan thuộc ICR nói phát hiện trên đặc biệt quan trọng do bệnh ngày càng phổ biến ở nhóm người cao tuổi.
“Đa u tủy là một căn bệnh ung thư xâm lấn với tỷ lệ sống sót rất thấp. Bằng việc hiểu biết nhiều hơn về tính chất sinh học của sự phát triển bệnh đa u tủy, chúng tôi hy vọng tìm được những phương pháp điều trị bệnh hiệu quả hơn”, ông Morgan nói.
U tủy là một loại ung thư tủy xương tác động đến các tế bào plasma bên trong tủy xương, vốn là một phần quan trọng của hệ miễn dịch. Thường nó không tồn tại dưới dạng khối u và chỉ khi nào xuất hiện các triệu chứng như đau và gãy xương thì mới chẩn đoán được bệnh.
Hiện chưa có cách chữa trị dứt điểm bệnh đa u tủy, nhưng liệu pháp hóa trị và ghép tủy có thể khống chế đà tiến triển bệnh.