(ĐTĐ) – Một khu vực có hình dạng giống con mắt xuất hiện trên sao Mộc trong những ảnh do kính thiên văn không gian Hubble vừa gửi về trái đất.
Bóng của vệ tinh Ganymede trong bão Vết Đỏ Lớn trên bề mặt sao Mộc. Ảnh: NASA |
Kính thiên văn không gian Hubble phát hiện "con mắt khổng lồ" trên sao Mộc khi nó theo dõi Vết Đỏ Lớn (Great Red Spot), một cơn khổng lồ nằm ở 22° phía nam xích đạo trên hành tinh lớn nhất của Thái Dương Hệ, Mirror đưa tin. Vết Đỏ Lớn đã tồn tại khoảng 300 tới 400 năm. "Con ngươi" của "mắt" là một chấm đen có đường kính khoảng 16.000 km, còn khu vực màu vàng xung quanh chấm đen là tâm của cơn bão.
Trên thực tế, chấm đen chính là bóng của Ganymede, một trong những vệ tinh xoay quanh sao Mộc.
Các chấm đen thường xuyên xuất hiện trên bề mặt sao Mộc vì nó có tới 67 vệ tinh tự nhiên. Ảnh: NASA |
"Trong một khoảng thời gian ngắn, sao Mộc nhìn về phía kính thiên văn Hubble giống như một gã khổng lồ độc nhãn", một người phát ngôn của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ bình luận.
Chấm đen xuất hiện trên sao Mộc không phải là hiện tượng hiếm, bởi hành tinh này có tới 67 vệ tinh. Ganymede, vệ tinh lớn nhất, có đường kính lớn hơn cả sao Thủy.