ND – Trong hội thao kỹ thuật sáng tạo tuổi trẻ ngành y tế khu vực lần thứ 22, có một đại úy, bác sĩ quân y đã giành giải nhất với đề tài “Thiết kế máy kéo giãn đốt sống cổ tự động”. Ðây là một đề tài mới, làm xôn xao giới chuyên môn. Ðó là Ðại úy Mai Trung Dũng (công tác tại Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Quân y 354).
Theo bác sĩ Mai Trung Dũng, kéo giãn đốt sống cổ là một phương pháp cơ bản để điều trị thoái hóa và thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ. Hiện nay, kéo giãn đốt sống cổ được sử dụng ở các khoa vật lý trị liệu – phục hồi chức năng bằng hai phương pháp chính: kéo giãn đốt sống cổ bằng hệ thống máy kéo và kéo giãn bằng lực đối trọng từ các quả cân.
Kéo giãn bằng hệ thống máy kéo bằng động cơ được điều khiển tự động bằng kỹ thuật số. Phương pháp này cho phép sử dụng cả chế độ kéo liên tục hay ngắt quãng và có thể điều chỉnh lực kéo một cách dễ dàng. Nhưng cũng có nhược điểm là không cho phép kéo tư thế chếch. Sự tăng giảm lực kéo tương đối nhanh có thể gây các triệu chứng do kích thích chuỗi hạch giao cảm cổ sau gây các triệu chứng giao cảm như: tăng nhịp tim, hồi hộp trống ngực, hoa mắt chóng mặt..
Bác sĩ Mai Trung Dũng thực hiện kéo giãn đốt sống cổ cho người bệnh. |
Cái được của kéo giãn đốt sống cổ là làm giãn cơ tích cực, tác động vào nhiều điểm khác nhau của đoạn cột sống làm các khoan đốt được giãn rộng và có thể cao thêm trung bình 1,1mm, do đó có thể làm giảm áp lực nội đĩa đệm.
Anh cho biết thêm, kéo giãn cột sống còn làm tăng tính linh hoạt của cột sống, giải phóng sự khóa cứng của các khớp đốt sống, giải phóng sự chèn ép lên các rễ và dây thần kinh sống, tăng cường nuôi dưỡng cục bộ; tăng tầm vận động của đoạn cột sống bị hạn chế, khôi phục lại hình dáng giải phẫu bình thường của cột sống; tạo điều kiện thuận lợi cho đĩa đệm mới bị thoát vị ở mức độ nhẹ và vừa có thể trở lại vị trí cũ.
Ở các khoa phục hồi chức năng của các bệnh viện, một trong những phương pháp chữa bệnh chủ yếu là xoa bóp và bấm huyệt. Nhưng phương pháp này mất thời gian và công sức không những của thầy thuốc mà cả sự kiên trì của người bệnh. Có nhiều loại bệnh mà việc điều trị phải tập trung vào cái cổ. Vì thế, máy kéo đốt sống cổ đã trở thành cánh tay kéo dài cho người bác sĩ điều trị lĩnh vực phục hồi chức năng…
Nghe bác sĩ Dũng giới thiệu, tôi thật sự cảm phục trước một người đàn ông có nụ cười hiền hậu, ánh mắt long lanh với bước đường trưởng thành nhanh chóng.
Từ một sinh viên tốt nghiệp đại học năm 1999, Mai Trung Dũng được điều về Bệnh viện Quân y 354 công tác tại Khoa Phục hồi chức năng. Công việc hằng ngày của anh là giúp người bệnh rèn luyện vươn lên chiến thắng bệnh tật, sớm trở về với đời thường. Và, con đường đến thành công của anh bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt ấy.
Là bác sĩ trẻ, Dũng thường xuyên được cấp trên giao vận hành những loại máy phục hồi chức năng hiện đại, trong đó có máy kéo đốt sống cổ. Máy thuộc loại hiện đại nhập của Nhật Bản, trị giá hàng trăm triệu đồng. Sau một thời gian nghiên cứu, tìm hiểu chức năng vận hành của máy, anh đã hiểu cái hay, cái chưa được của máy. Vì hằng ngày tiếp xúc với người bệnh, trực tiếp vận hành máy, cho nên Dũng hiểu từng cơn đau, từng cái oằn mình của người bệnh.
Chiếc máy nhập ngoại tốt, nhưng chưa khắc phục được một số nhược điểm như: tốc độ kéo hơi nhanh, mạnh làm người bệnh cảm thấy đột ngột, kích thích thần kinh giao cảm, gây ra triệu chứng tăng nhịp tim, chóng mặt và hoa mắt… Hiểu những điểm yếu của máy, Mai Trung Dũng mạnh dạn xin ý kiến chủ nhiệm khoa cải tiến chiếc máy kéo đốt sống cổ “thuần Việt”. Anh đưa ra ý tưởng ấn tượng: Nếu làm một chiếc máy hoàn chỉnh chỉ mất khoảng năm triệu đồng mà anh còn “nâng tầm” chiếc máy kéo đốt sống cổ, giúp người bệnh chữa bệnh hiệu quả nhất.
Ðể biến ước mơ trở thành hiện thực, Dũng không nhớ mình đã đến bao nhiêu cửa hàng cơ khí, thậm chí cả nhiều cửa hàng bán sắt vụn. Về đến khoa anh lại hì hục lắp lắp, mài mài, có người còn đùa “có công mài sắt, có ngày thành… bã”.
Khó khăn lớn nhất đối với anh, vì không phải là dân kỹ thuật, nên vừa làm, vừa mày mò và rút kinh nghiệm. Ngoài ra, anh còn phải đọc thêm tài liệu, học hỏi các chuyên gia và kỹ sư Khoa Trang bị. Khi hoàn thiện đề tài, anh đến các cửa hàng linh kiện điện tử tìm những thiết bị phù hợp với tính năng của máy.
Hơn sáu tháng mày mò, nghiên cứu, chiếc máy kéo giãn đốt sống cổ đã hoàn thành. Máy không những tiết kiệm hàng trăm triệu đồng mà còn giúp người bệnh không còn “ngán” như dùng máy ngoại… Máy có thể tăng và giảm lực kéo từ từ, thậm chí có những lúc tăng lực tối đa mà người bệnh tưởng như chưa kéo, không gây ra phản ứng đột ngột. Mỗi lần điều trị cho người bệnh mất khoảng 30 phút và mỗi ngày, khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện 354 điều trị được hơn 10 người bệnh.
Ước mơ đã trở thành hiện thực, vậy anh còn ước mơ gì nữa không? Chúng tôi hỏi? Cười hiền hòa, anh tâm sự: Mong ước nhỏ bé thôi, sản xuất được máy hàng loạt, để tất cả những người bệnh đều có thể được chữa trị.
[products ids=”12883, 12870, 9073, 9068, 9047, 8995″]
Originally posted 2010-08-18 13:11:53.