(ĐTĐ) – Người ta vẫn hay quan niệm, trong đời người ai chẳng có vài lần đau ốm, không nặng thì nhẹ, thế cho nên việc nhờ cậy đến bác sĩ là chuyện tất yếu.
Mà theo lẽ thường, đã nhờ cậy thì sẽ phải cảm ơn, quà cáp. Bạn có thể lựa chọn rất nhiều thứ để làm quà nhưng vấn đề là món quà bạn chọn có hợp ý người nhận không, có phù hợp với túi tiền của bạn không? Biết bao nhiêu câu hỏi cho việc quà cáp như vậy quả thật rất dễ khiến chúng ta đau đầu, mệt mỏi. Thế cho nên người ta mới nghĩ ra phong bì, thứ rất thiết thực có thể thay lời cảm ơn một cách tốt nhất lại đỡ phải đau đầu lựa chọn quà cáp. Và dường như cũng vì thế mà phong bì đã gắn liền với ngành y tế, trở thành một phần không thể thiếu.
Theo một nghiên cứu cho thấy số người sử dụng phong bì trong dịch vụ y tế tăng gấp đôi trong vòng ba năm từ 13% (năm 2007) lên đến 29% (năm 2010)
Năm 2012, kết quả cuộc khảo sát được công bố bởi Ngân hàng Thế giới và thanh tra chính phủ của Việt Nam (được thực hiện bởi Cục Chống tham nhũng) cho thấy 76% những người đút phong bì là tự nguyện và 21% là do được gợi ý.
Ngành y và phong bì.
Hiện tượng phong bì của ngành y tế nước ta còn nổi tiếng đến mức được cả báo Anh ghi nhận, BBC cho biết tình trạng bệnh nhân, và người nhà của họ đưa phong bì cho y bác sĩ đã trở thành một thông lệ ở Việt Nam.
Thậm chí, đã có rất nhiều ý kiến cho rằng đây là một nét văn hóa của người Việt đã có từ xa xưa. Theo ông Nguyễn Hữu Ngọc, một học giả ở Hà Nội cho biết, nguồn gốc của vấn đề nằm ở khái niệm quà tặng theo quan niệm truyền thống.
Với ý nghĩa bày tỏ lòng biết ơn, quà cáp có giá trị về mặt tinh thần nhiều hơn những giá trị vật chất. Nhưng qua năm tháng, dần dần nó thiên về những giá trị vật chất, giá trị tinh thần ngày càng ít đi. Và bây giờ, trong nền kinh tế thị trường, nó đã trở thành một công cụ giao dịch.
Có thể thấy, rõ ràng phong bì là hành động thiết thực, một biểu tượng của văn hóa trong xã hội Việt Nam hiện đại nói chung và của ngành y tế nói riêng. Theo lẽ thường, những thứ đầy ý nghĩa như vậy sẽ cần phải tích cực phát huy, để văn hóa phong bì đạt đến mức độ phát triển rực rỡ nhất.
Ấy vậy mà mới đây hiện tượng phong bì đang phải đối mặt với một sự đe dọa vô cùng ghê gớm, thậm chí có thể dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng đó là các chiến dịch “nói không với phong bì”.
Đấy là còn chưa kể đến các biện pháp vô cùng quyết liệt được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đưa ra để hạn chế phong bì như đề nghị quay phim, chụp ảnh việc y bác sĩ nhận phong bì, hay yêu cầu các cơ sở y tế công phải ký cam kết “nói không với phong bì”. Từ giám đốc bệnh viện đến trưởng phó khoa và nhân viên, người nhà bệnh nhân… tất cả đều phải ký cam kết không đưa phong bì cho bác sĩ trước và trong khi điều trị…
Sau đó, những tưởng mọi lo lắng về việc phong bì y tế bị cấm có thể tan biến khi bà Kim Tiến dẫn chứng trong phát biểu của mình: “Trong miền Nam, bệnh nhân đưa phong bì cho bác sĩ sau khi đã được điều trị khỏi và nói nếu bác sĩ không nhận quà thì bệnh của tôi không khỏi được”.
Phát biểu ấy được người dân xem như là bật đèn xanh cho việc cán bộ y tế “nói không với phong bì không”, thoải mái nhận phong bì sau khi khám chữa bệnh xong . Bác sĩ vui vẻ, bệnh nhân an tâm về phong bì phong bao chưa được bao lâu thì cũng lại chính bộ trưởng Tiến phá tan niềm vui nho nhỏ ấy khi trả lời chất vấn các Đại biểu Quốc Hội bằng câu nói chắc nịch: “Tôi đâu có cho phép nhận phong bì sau điều trị”!
Quả là đáng lo lắng bởi phong bì vốn là biểu trưng cho tình cảm của bệnh nhân đối với bác sĩ, mà chuyện tình cảm thì là lẽ tự nhiên, không ai có thể cấm nó phát sinh hay biến mất. Hơn nữa, có một số lượng lớn bệnh nhân và gia đình người bệnh cho rằng tiền trong phong bì là để có được sự yên tâm, khi bác sĩ đã nhận phong bì là đồng nghĩa với việc sẽ được quan tâm, chăm sóc nhẹ nhàng, không bị quát mắng và đặc biệt là không bị cố tình làm đau.
Phong bì có vai trò quan trọng như vậy mà lại bị cấm, bị phạt, thậm chí có thể biến mất thì quả thật là gay go. Bạn đã bao giờ thử tưởng tượng ra một ngày ngành y tế Việt không có phong bì? Nếu chưa thì đừng tưởng tượng nhé, bởi tôi cam đoan bạn không hề mong muốn có ngày ấy xảy ra đâu.
Các cơ quan chức năng Việt Nam thường có quan niệm, những gì không kiểm soát được thì sẽ lập tức cấm đoán, bắt phạt, tuy nhiên trên thực tế với nhiều vấn đề hiện nay việc đó không thực sự là một nước cờ cao tay. Chính vì vậy, thiết nghĩ đối với hiện tượng phong bì chúng ta nên áp dụng những hình thức mới mẻ hơn như công nhận phong bì là nét văn hóa và thu thuế hoạt động này đối với các cán bộ y tế. Điều này không những có thể giúp nước ta tận thu, có thêm nguồn vốn để phát triển kinh tế mà còn tạo ra những nét đặc sắc, riêng có của ngành y tế nước nhà.
Chỉ một việc làm nhỏ mà có thể đem lại kết quả lớn bất ngờ, ngành y vui, bệnh nhân an tâm, Nhà Nước có tiền, quả đúng là “nhất cử đại tiện”.