(ĐTĐ) – Nếu phát hiện mình bị chấn thương hoặc có dấu hiệu đau, co cứng cơ, bầm tím, hãy giảm tập luyện và dừng hẳn nếu cần. Việc tiếp tục vận động chỉ làm chấn thương nặng thêm mà cũng không đưa đến thành tích như bạn mong muốn.
Hầu hết các đối tượng tham gia tập luyện thể thao đều ít nhiều bị chấn thương ở các mức độ khác nhau. Chấn thương có thể nhẹ và thoáng qua, quá trình phục hồi tự nhiên, không gây hậu quả gì. Nhưng nhiều trường hợp chấn thương nặng, kéo dài dai dẳng và trở thành những rối loạn bệnh lý thật sự. Rách cơ, giãn dây chằng hoặc đứt dây chằng, bong gân, trật khớp… là các chấn thương hay gặp nhất đối với người tập luyện thể thao ở mọi trình độ.
Đứt dây chằng khớp gối hay gặp trong chấn thương thể thao
Nguyên nhân chính gây chấn thương thể thao:
Tập luyện quá sức: Là nguyên nhân hàng đầu. Quá sức là việc hoạt động thể thao vượt quá khả năng chịu đựng của cơ thể về cường độ và thời gian, không cải thiện được thành tích và dẫn tới chấn thương nếu không được phục hồi kịp thời.
Kế hoạch tập luyện không phù hợp: Thường thấy ở vận động viên nghiệp dư. Do ảnh hưởng của công việc, của thói quen sinh hoạt, họ thường có những hoạt động thể thao tự phát và dễ dẫn đến chấn thương. Trong các môn tập thể, cần chú ý đến sự phù hợp của kế hoạch tập luyện với tính cá nhân của từng người vì mỗi người có những đặc điểm sinh lý và thể lực riêng.
Dụng cụ thiếu hoặc không phù hợp: Dụng cụ không hợp thường là quần áo tập và giày, ngoài ra còn có bóng, vợt, sân bãi… Nên chú ý tới các vật dụng cá nhân trong tập luyện; tự mình nên chọn mua và chuẩn bị tốt các vật dụng này.
Chế độ dinh dưỡng không hợp lý: Ăn uống nhiều sau khi tập là một thói quen có hại, kéo dài thời gian hồi phục và nhanh chóng tích lũy lượng chất béo dư thừa. Buổi tập nên bắt đầu sau bữa ăn nhẹ khoảng 2 giờ với một khẩu phần nhiều tinh bột và sau bữa ăn chính khoảng 4-6 giờ để hệ tiêu hóa có đủ thời gian làm việc. Bữa ăn trước khi tập chỉ nên vừa đủ. Khi tập luyện, cần uống đủ nước và uống thường xuyên ít một, đừng chờ tới khi khát vì khi đó chúng ta đã mất nước do hơi thở và bài tiết mồ hôi tương đối nhiều. Tránh các đồ uống có ga.
Thời tiết: Tập luyện dưới điều kiện thời tiết nóng hoặc lạnh quá đều dễ dẫn tới chấn thương. Thời tiết nóng nhanh chóng dẫn tới mệt mỏi hoặc thậm chí rối loạn trầm trọng do hiện tượng mất nước và điện giải. Thời tiết lạnh, vận động viên cần nhiều thời gian cho việc khởi động “làm nóng” và không có được độ dẻo cần thiết.
Việc sơ cứu cần được tiến hành càng sớm càng tốt, ngay sau khi bị chấn thương, trước khi nhân viên y tế đến:
Dừng tập luyện.
Chườm lạnh: Dùng đá lạnh bọc trong khăn vải sạch mỏng hoặc túi nilon chườm tại chỗ chấn thương 10 tới 20 phút. Nhắc lại sau khoảng từ 30 phút tới 4 giờ một lần. Chú ý chườm đều và rộng trên bề mặt vùng cơ-khớp bị chấn thương. Không nên chườm trên vùng tổn thương có rách da để tránh nhiễm trùng, khi đó chỉ dùng nước sạch (lạnh) để rửa. Chườm lạnh có tác dụng rất hữu hiệu trong việc giảm đau, giảm sưng nề, ngăn ngừa chảy máu tại mô cơ bị chấn thương và đẩy nhanh quá trình hồi phục.
Băng ép cố định: Dùng băng chun hoặc băng vải mềm băng ép lên vùng chấn thương. Băng vừa đủ để tạo một lực ép hữu hiệu lên khu vực tổn thương mà không gây ra chèn ép tuần hoàn của động mạch bên dưới. Băng ép làm giảm sưng nề, chảy máu tại vùng cơ-khớp bị tổn thương; giữ cho tổ chức tổn thương được ổn định, các cơ hoặc khớp không bị di lệch hoặc co kéo gây tổn thương thứ phát.
Kê cao vùng (chân hoặc tay) bị chấn thương: Đây là một cách đơn giản nhưng có nhiều ích lợi cho việc điều trị và hồi phục. Khu vực tổn thương cần được nâng cao hơn bằng cách kê gối, dùng băng treo… để giảm sưng nề.
Sau khi sơ cứu mà không đỡ, bệnh nhân cần được khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa chấn thương hoặc y học thể thao để được điều trị đúng phương pháp. Các thuốc điều trị chấn thương thể thao hầu hết đều thuộc nhóm thuốc kháng viêm – giảm đau và có khá nhiều tác dụng phụ do đó cần có sự chỉ định cụ thể của bác sĩ.
Nguồn Suckhoedoisong.vn
Originally posted 2010-12-17 01:53:40.